Tu hành đúng chánh Phật pháp

http://tuhanhdungchanhphatphap.net


4 VÔ LƯỢNG TÂM

► 4 vô lượng tâm

 
Bốn vô lượng tâm là pháp giúp ngăn diệt ác pháp, hành giả nên trau dồi hằng ngày.
 
  • Tâm từ được trau dồi sẽ diệt sân hận.
 
  • Tâm bi được trau dồi sẽ diệt tính hung bạo.
 
  • Tâm hỷ được trau dồi sẽ diệt lòng ganh tị.
 
  • Tâm xả được trau dồi sẽ diệt hận thù.
 
Bốn vô lượng tâm là bốn tâm vô cùng rộng lớn, thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc các dây mơ rễ má của mọi tâm lý tình cảm thương ghét, giận hờn, tị hiềm, kiêu căng, nghi ngờ, ngã mạn của phàm phu, phá vỡ tà kiến, thân kiến, chấp kiến trước mọi trí tuệ mê mờ, lầm lạc. Vô lượng tâm còn có nghĩa là tâm bình đẳng, tâm này tự nhiên không so đo cao thấp, hơn kém, mà phổ biến, ban rải mọi nơi, mọi chốn, không giới hạn. Do trau dồi tâm bình đẳng này làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh thoát khổ, nên tâm này có công năng mang đến cho con người vô lượng phước báu. 4 tâm vô lượng này không những làm lợi ích cho chúng sinh an lành, hạnh phúc, mà còn ban rải cho mọi nhà, mọi đất nước và cả thế giới trật tự, an ninh, thanh bình, không chiến tranh. Vô lượng gồm có 5 nghĩa:
 
  • Vô lượng nhân lành.
 
  • Vô lượng quả đẹp.
 
  • Vô lượng chúng sinh (cả người và vật).
 
  • Vô lượng thế giới (không gian).
 
  • Vô lượng đời kiếp (thời gian).
 
Thành phần và hành tướng của 4 tâm vô lượng là: từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng.
 
Từ vô lượng tâm:
 
Từ vô lượng là lòng mến thương của chúng ta vô cùng vô tận đối với tất cả chúng sinh, từ cây cỏ thảo mộc cho đến loài động vật, dù con vật hung dữ chúng ta cũng ban rải lòng từ, tránh vô tình gây đau khổ cho chúng sinh, thương mến đem lại cho chúng sinh cái vui chân thật, cái vui do chính lòng từ mang đến, làm cho vạn vật vui mừng, cỏ cây tươi tốt, trong đó có chính mình.
 
Tâm từ đối với nhân, áp dụng khi con người, vạn vật, cây cỏ đang bình thường, khỏe mạnh, yên ổn. Tâm bi đối với quả, áp dụng khi có sự tổn thương, đau khổ, sợ hãi, chết chóc.
 
Trong đời sống của chúng ta có 2 cái vui:
 
  • Cái vui bền bỉ chân thật: người vui, mình vui, tất cả chúng sinh, cỏ cây cùng vui tươi, đó là tâm từ, bi, hỷ, xả chúng ta ban rải khắp muôn loài vạn vật. Cái vui này không ồn náo sôi nổi mà nhẹ nhàng thầm lặng. Chúng ta không còn cảm thấy cô đơn nữa bởi tâm ta đã phủ trùm lên, hòa vào niềm vui chung với vạn vật muôn loài.
 
  • Cái vui ngắn ngủi giả tạm: bị phiền não chi phối khi tham, sân, si, mạn, nghi đòi hỏi, được thì thỏa mãn, vui, ngược lại là buồn khổ. Đây là vui theo dục lạc, mà dục lạc không bao giờ có thể thỏa mãn hoàn toàn.
 
Muốn có cái vui bền bỉ chân thật cần trau dồi thân và tâm trong 3 hành động: thân hành, miệng hành, ý hành. Thân hành có 2: chân hành, tay hành. Miệng hành có 2: ăn, nói. Ý hành có 3: ý thiện, ý ác, ý không thiện không ác. Lấy bốn vô lượng tâm trau dồi hành động ở 3 nơi này.
 
  • Trau dồi từ tâm nơi thân hành:
 
Hướng tâm khi bước đi “chúng sinh quanh ta rất nhiều, dưới bước chân ta đi có nhiều loài côn trùng nhỏ nhít và cỏ cây yếu mềm, ta đừng dẫm lên chúng để chúng không bị chết chóc, héo úa”. Vừa bước đi nhẹ nhàng vừa hướng tâm như vậy, lâu ngày huân tập trong tâm ta thành một thói quen thương xót chúng sinh, thấm nhuần tình thương yêu chúng sinh rộng lớn bao la.
 
Tương tự, khi thực hiện các hành động đứng, nằm, ngồi và các hành động của tay như cầm, nắm, bắt cũng thường hướng tâm như vậy. Câu hướng tâm chỉ là gợi ý, hành giả tự điều chỉnh cho phù hợp với bản thân mình.
 
Nhờ tu tập tâm từ, dần dần ta sẽ không còn sự sợ hãi.
 
  • Trau dồi từ tâm nơi miệng hành:
 
Khi ăn uống coi chừng trong thực phẩm có côn trùng nhỏ không, hướng tâm trước khi ăn “khi nhai nuốt ăn uống tâm ta phải thương xót chúng sinh, lỡ nhai nuốt ăn vào bụng làm cho chúng sinh đau khổ thiệt hại là một tội lỗi lớn”.
 
Miệng khi nói cần cẩn thận. Bởi lời nói thường đi trước cái ý, khi đụng chuyện lời nói phóng ra lia lịa theo cái tư tưởng, cái ngã chấp của mình, thiếu sự suy tư cẩn trọng, đến lúc nhận ra thì hối không kịp bởi lời đã nói ra. Vì vậy ta thường hướng tâm trước khi nói “ta muốn nói một điều gì, ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, suy tư cho chín chắn rồi mới nói ra” để không làm khổ mình, khổ người.
 
Khi rảnh rang tự nhắc mình “ta nói phải giữ gìn lời cho đúng đắn, không được nói dối, nói oan ức làm cho khổ người”, hay nhắc câu “làm người thì ta phải thương người, người đau khổ cũng như mình đau khổ” để lời ta nói ra không làm khổ người.
 
Ai là người nhiều chuyện thì tự nhắc “ta là người nhiều chuyện, lắm mồm, từ đây phải sống trong trầm lặng, không được nhiều chuyện lắm mồm nữa.”
 
Tùy vào đặc tướng của từng người và tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, mỗi người tự soạn ra câu hướng tâm tác ý phù hợp với mình và sử dụng tùy thời.
 
  • Trau dồi từ tâm nơi ý hành:
 
Chúng ta phải tư duy “thân tất cả chúng sinh như thân mình, thường đau khổ, thường đói khát, mình hãy thương yêu và chăm sóc chúng như chính thân mình, như con mình”. Phải nhắc cái ý chúng ta thường tư duy những điều đau khổ của chúng sinh như chính sự đau khổ của mình, chăm sóc sự đau khổ của chúng sinh cũng như chăm sóc con mình vậy.
 
Bởi vì hành động của miệng và thân đều xuất phát từ ý, nên chúng ta phải trau dồi cái ý thật cẩn thận. Khi ý thấm nhuần thì những hàng động của miệng và thân đều toát ra lòng yêu thương chân thật tận nơi đáy lòng của mình.
 
Hằng ngày chúng ta tập dùng ý để quan sát, theo dõi từng hành động sống của loài vật. Ví dụ chúng ta nhìn một đoàn kiến đi ngang qua, ta thấy nó có những sự buồn, vui, đau khổ lẫn lộn trong đó. Rồi có những sự tấn công của những con vật khác vào trong đoàn kiến này, chúng bảo vệ bằng cách nào. Thấy cuộc sống của chúng như vậy, ta nhìn lại đời mình xem có giống những con vật này không. Từ đó chúng ta mới toát ra những tư tưởng, những sự tư duy thương yêu chân thật muôn loài. Quan sát kỹ lưỡng từng hành động sống của loài vật sẽ cho ta những bài học có giá trị để tu tập bốn vô lượng tâm.
 
Khi đứng trước một cái cây chúng ta nhìn sự sống của nó thế nào. Những làn gió thổi, những hạt sương rơi trên cây đều thấm nhuần sự sống, để chúng ta tỏa lòng từ thương yêu chúng từng chút. Nếu chúng ta không chịu khó quan sát, không chịu khó ý tứ như vậy thì khó mà thông cảm được lòng thương yêu chúng ta đối với chúng. Muốn thực hiện được điều này thì phải cần có thời gian để quan sát, để thấm nhuần từng sự sống của muôn loài.
 
Để trau dồi cái ý thì chúng ta phải siêng năng quan sát mọi vật như vậy. Trong sự quan sát, tư duy sẽ phát sinh sự đồng cảm, thấu hiểu, lòng thương yêu chân thật, tự nhiên ta sẽ trân trọng sự sống của tất cả mọi người, mọi loài vật và cỏ cây. Lòng từ sẽ đem lại cho tâm hồn một sự thanh thản, giải thoát.
 
Bi vô lượng tâm:
 
Bi vô lượng là lòng thương rộng lớn vô bờ bến trước những nỗi đau khổ của chúng sinh. Người có lòng bi thương rộng lớn không thể làm ngơ trước nỗi đau khổ của chúng sinh và luôn luôn quyết tâm để làm những gì dứt trừ sự khổ đau đó. Tuy rằng biết sự đau khổ của thế nhân và chúng sinh đều do nhân quả ác thiện mà sinh khởi, nhưng trước cảnh kêu la thảm khốc đầy đen tối của kiếp người, kiếp chúng sinh, người có lòng bi không thể làm ngơ được. Luôn phải dùng lời an ủi, khuyên bảo, dùng tay xoa dịu nhẹ nhàng những vết thương để làm giảm cơn đau của chúng sinh, của người khác. Đồng thời luôn luôn khuyên chúng sinh đi về nẻo thiện để chấm dứt cảnh khổ, vì nhân ác phải thọ quả khổ, nhân thiện sẽ được hạnh phúc.
 
Hãy thường nhắc nhở những câu sau để trau dồi tâm bi vô lượng: “hãy thương người đang sân”, “hãy thương người đang bệnh”, “hãy thương người đang buồn khổ”, “hãy thương người đang có tai nạn”, “hãy thương người tham lam trộm cắp”, “hãy thương người đang si mê”, “hãy thương người đang tị hiềm”, “hãy thương người đang ngã mạn cống cao”, “hãy thương người tàn tật”, “hãy thương người già yếu vì chính chúng ta ngày nào đó cũng già yếu lọm khọm, đi đứng run rẩy”, “hãy thương tất cả chúng sinh vì chúng sinh hoàn toàn là đau khổ”. Nhờ thương hết tất cả chúng sinh, cây cỏ thảo mộc mà tâm chúng ta luôn luôn thấy thảnh thơi, an vui trong vạn hữu.
 
Hỷ vô lượng tâm:
 
Hỷ là vui mừng. Vì có từ, bi thì mới có hỷ. Biết thương người thì mới có vui, còn không biết thương người thì cái vui của chúng ta là cái vui ích kỷ. Tâm hỷ đối với người thù, kẻ oán, đối với tất cả mọi cái đều vui vẻ thì đó tâm tùy hỷ. Tùy hỷ nghĩa là vui theo. Vui theo có nhiều cách. Vui theo dục lạc, vui theo ác pháp, vui theo các việc lành của người khác.
 
Vui theo ngũ dục lạc (danh, tiền, sắc, ăn, ngủ) là cái vui ngắn ngủi, mê muội. Người phàm phu ngu si mê muội phóng tâm vui theo những vật chất thế gian, trần cảnh, gồm có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nó có một sức cám dỗ lôi cuốn con người đi đến chỗ đau khổ bất tận. Dục lạc thế gian ở xa nhìn tưởng hạt kim cương, lại gần là giọt nước mắt.
                                                   
Vui theo ác nghiệp là thấy người sát sinh, uống rượu, trộm cắp, tà dâm, bài bạc, vọng ngữ, hút sách… đã không khuyên can mà lại còn xúi vào vui theo và bằng lòng theo con đường ác đó.
 
Hai loại hỷ trên cũng là hỷ vô lượng tâm, nhưng là hỷ vô lượng tâm dục, tâm ác, mang lại đau khổ, tạo cảnh địa ngục trần gian ngay trong hiện tại, không cần đợi mai sau. Người vô minh mê muội không thể thoát khỏi 2 loại hỷ này. Chúng ta cần trau dồi để từ bỏ 2 loại hỷ này bằng những câu hướng tâm:
 
“Hỷ của dục lạc là tai nạn, là bệnh tật, là khổ đau, ta hãy tránh xa hỷ này”.
 
“Hỷ của dục là ảo giác, không có thật, nó là thuốc độc, là rắn độc giết hại con người, ta hãy tránh xa các loại hỷ này”.
 
“Hỷ vui theo các ác pháp là hỷ tâm vô lượng ác, là làm đau khổ chúng sinh, giết hại chúng sinh, không có lòng từ bi thương xót chúng sinh, ta hãy tránh xa hỷ này, yểm ly hỷ này, từ bỏ hỷ này, xa lìa hỷ này vì hỷ này làm đau khổ chúng sinh, làm sinh ra địa ngục của chúng ta, hãy dứt trừ sự vui theo các ác pháp”.
 
Bây giờ đến hỷ tâm vô lượng giải thoát. Hỷ tâm vô lượng giải thoát là vui theo với việc lành, việc thiện của người khác, đó là vui theo những việc làm nhân từ, phước thiện, thấy người đem của cải ra bố thí ta liền tán thán vui theo, tận tâm giúp đỡ họ trong mọi công việc với lòng hân hoan vui sướng. Sự vui theo này là một bước tiến trên con đường thiện nghiệp. Nếu ta có tiền của, ta sẽ đóng góp vào làm việc công ích cho mọi người. Nếu ta không có tiền của ta hãy lấy công giúp đỡ họ để hoàn thành sự an ủi những nỗi bất hạnh của con người sống trong xã hội.
 
Vì tâm bi vô lượng ta nhận thấy trong xã hội có nhiều người bất hạnh nên lúc nào lòng ta cũng muốn làm từ thiện để ban vui cứu khổ cho mọi người, làm sao cho mọi người an vui no ấm, làm sao cho mọi người thoát khỏi bệnh tật khổ đau. Những hình ảnh đau khổ của con người và chúng sinh khiến cho người có tâm bi vô lượng không thể ngồi yên bằng cách tư duy suông làm sao giảm bớt và xoa dịu vết thương đau của chúng sinh, làm sao đoạn dứt những nỗi đau thương của chúng sinh.
 
Bây giờ chúng ta đã hiểu chúng ta phải làm một cái gì đó để cho tất cả mọi người được an vui hạnh phúc thì không có gì hơn là đem giáo lý nhân quả, đạo đức nhân quả chia sẻ cho từng người, giúp cho từng người hiểu, thì cái này là niềm vui vô lượng không thể kể xiết được.
 
Trau dồi tâm hỷ bằng cách thường như lý tác ý nhắc tâm:
 
“Ta hãy vui mừng theo những ý kiến của người khác để người và mình vui”.
 
“Tính hay khoe khoang cái hay cái giỏi của mình là chướng tâm, là ngại đạo, phải từ bỏ, phải xa lìa thói xấu này”.
 
“Phải biết vui hòa trong mọi công việc của mọi người, lấy việc người làm việc mình”.
 
“Trong vạn vật đều có sự vui chan hòa, ta hãy theo đó mà hòa mình trong sự vui, nếu ta làm một điều không vui thì ta đã làm buồn khổ muôn loài vạn vật cỏ cây”.
 
Đức Phật xác định có 4 loại hỷ lạc thấp kém, hạ liệt, đó là hỷ do giết hại, ăn thịt chúng sinh, hỷ do trộm cướp, hỷ do nói láo gạt người, nạt nộ người, hỷ do say mê 5 thứ dục lạc sắc, danh, lợi, ăn, ngủ. Đây là 4 thứ hỷ lạc phàm phu đầy đau khổ và tội ác, làm người ta không dứt cuộc đời ra được.
 
Người dứt bỏ tâm ham muốn được 4 loại hỷ lạc, đó là hỷ do ly dục sinh, và cao hơn là hỷ do định sinh. Những loại hỷ lạc này không kèm theo khổ đau, nó chân thật, đưa chúng ta đến giác ngộ và niết bàn, tâm hồn an tịnh.
 
Xả vô lượng tâm:
 
Xả là bỏ, không dùng, không chấp, dẹp qua một bên. Xả vô lượng là bỏ tất cả, không còn một vật gì, một đối tượng, một hoàn cảnh hay một chướng ngại nào còn sót trong tâm. Xả vô lượng tâm nghĩa là từ bỏ, từ giã, xa lìa, viễn ly tất cả các pháp thế gian, không còn để pháp nào trói buộc, dính mắc mình hết.
 
Các pháp thế gian là những pháp trói buộc như mạng lưới chằng chịt khó thoát ra. Đó là sắc dục, tiền bạc, của cải, tài sản, vật chất lớn, vật chất nhỏ, nhà cửa, ruộng vườn, danh thơm, tiếng tốt, tiếng khen, tiếng chê, tiếng mắng, tiếng chửi, thức ăn ngon, thức ăn dở, ngủ nghỉ, anh em bầu bạn, cha mẹ, vợ con, tình thân quyến thuộc, bà con xóm làng, bạn bè gần xa, chùa to tháp lớn, miếu đình, tế tự cúng bái, tụng kệ ca ngâm, hát xướng ngâm vịnh, tủ giường bàn ghế, chén bát ly chậu, máy móc xe cộ, ti vi, radio, tủ lạnh… kinh sách, kiến thức học tập các pháp thế gian, thiên văn địa lý, y học, kiến thức hội họa, toán học, khoa học, kỹ nghệ học, kinh tế học, chính trị học, quân sự… dịch số, bói toán, các nghề nghiệp buôn bán, làm ruộng, thợ mộc, thợ may, thợ dệt, đi săn, bắt cá, trồng trọt, thầy thuốc, thầy thông, thầy ký, thầy ngải, thầy bùa, kế toán, thợ máy, thợ điện… tất cả nghề nghiệp sinh sống của con người là các pháp thế gian.
 
Pháp thế gian nhiều không kể hết, vậy mà cái nào cũng dính vào ta, bứt ra rất khó. Chúng ta không xả một lần hết tất cả được. Cho nên phải tuần tự xả từng thứ.
 
Đầu tiên xả bỏ 5 thứ dục lạc gần gũi chúng ta nhất là: sắc dục, tiền bạc, danh tiếng, ăn, ngủ. 5 thứ dục lạc này biến ra vô lượng cái để chúng ta dính mắc.
 
Xả được 5 thứ dục lạc rồi ta mới xả tiếp đến 6 pháp dục lạc thế gian là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Đây là 6 đối tượng của tâm, nó luôn luôn cám dỗ, thu hút chúng ta để phục vụ cho 5 thứ dục lạc ở trên. Sắc là hình ảnh, sắc tướng, đối tượng của sắc là mắt. Thinh là âm thanh, đối tượng của thinh là tai. Hương là hương thơm, đối tượng của hương là mũi. Vị là mùi vị mặn, ngọt, cay, đắng, đối tượng của vị là miệng. Xúc là va chạm, đối tượng của xúc là thân. Pháp là những kiến chấp, những hiểu biết trong đầu chúng ta, đối tượng của pháp là ý.
 
Muốn trau dồi tâm xả vô lượng các pháp thế gian, ta nên lựa một chỗ thanh vắng, tịnh mịch như rừng, gốc cây, hang đá, khe núi, bãi tha ma, lùm cây, bóng mát dưới tán cây, ngoài trời hoặc trong chòi lá. Sau khi ăn uống xong, đợi cơm và thực phẩm tiêu hóa khoảng 2 giờ thì chúng ta hãy ngồi kiết già lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú đặt niệm trước mặt. Các niệm đó là:
 
  • Xả tâm vô lượng sắc dục.
 
  • Xả tâm vô lượng tiền bạc, của báu, vật chất thế gian.
 
  • Xả tâm vô lượng danh.
 
  • Xả tâm vô lượng ăn.
 
  • Xả tâm vô lượng ngủ.
 
Chúng ta đặt từng niệm rồi dùng pháp hướng như lý tác ý để trau dồi. Cụ thể dùng những câu pháp hướng nào, mời các bạn chuyển qua Phần 2 nghe Trưởng Lão giảng. Ngài đã phân tích rất chi tiết, tỉ mỉ, rõ ràng và hướng dẫn cụ thể cách trau dồi 4 tâm vô lượng.
 
Bài kệ sau đây của Trưởng Lão sẽ kết thúc phần 4 vô lượng tâm:
 
“Trau dồi từ tâm tốt
Lòng thương hòa vạn hữu.
Trau dồi bi tâm tốt
Vạn hữu hết điêu linh.
Trau dồi tâm hỷ tốt
Lòng vui khắp muôn loài.
Trau dồi tâm xả tốt
Vạn vật sống an lành.”
 
Đến đây, chúng ta đã được học các thiện pháp Phật dạy để làm một con người thiện, đó là 5 giới, 10 điều lành, 4 vô lượng tâm. Tiếp đến, chúng ta sẽ tìm hiểu các pháp hành nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện những thiện pháp này. Ba pháp hành chính chúng ta sẽ tìm hiểu là như lý tác ý, định vô lậu, định chánh niệm tỉnh giác.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây