Tu hành đúng chánh Phật pháp

http://tuhanhdungchanhphatphap.net


ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

6) Định niệm hơi thở

 
Định niệm hơi thở dùng để nhiếp tâm, an trú tâm, định tỉnh trong hơi thở để đẩy lui các ác pháp tác động vào thân tâm ta (như giận hờn, đau nhức, bệnh tật). Đồng thời chuẩn bị cho quá trình thực hiện nhập, xả thiền định sau này.
 
Vì đây là pháp nhiếp tâm, an trú tâm và tác động vào thân hành nội (hơi thở) nên rất khó, đòi hỏi hành giả phải xả sạch tâm rồi mới được tu tập. Nếu chưa xả sạch tâm, thực hành không đúng cách sẽ dẫn đến căng mặt, nhức đầu, khó thở, rối loạn hô hấp…
 
Tâm xả chưa được sạch thì không nên tu định niệm hơi thở, mà phải tu định vô lậu, quán triệt cho thông suốt lý chân thật của các pháp. Và phải tập định chánh niệm tỉnh giác cho thuần thục rồi mới tập hơi thở. Định chánh niệm tỉnh giác là tập tỉnh thức bằng hành động bên ngoài (thân hành ngoại). Còn hơi thở là hành động bên trong (thân hành nội). Hành động bên ngoài có tỉnh thức, thuần thục rồi mới tập đến hành động bên trong.
 
Khi tâm xả sạch bằng định vô lậu và có sức tỉnh thức cao, hành giả bắt đầu tu tập định niệm hơi thở theo 3 bước. Đầu tiên hành giả cần nhận biết được hơi thở tự nhiên của mình, sau đó tập hơi thở tụ điểm, cuối cùng tập các đề mục định niệm hơi thở.
 

► Nhận biết hơi thở tự nhiên

 
Đầu tiên cần nhận biết cho được hơi thở tự nhiên, hay hơi thở bình thường. Dù 1 năm, 2 năm cũng phải tập cho được. Nhận biết được thuần thục, rõ ràng rồi hành giả mới tập hơi thở tụ điểm và các đề mục định niệm hơi thở. Bởi ở trạng thái hơi thở tự nhiên bình thường, hành giả sẽ không bị tẩu hỏa nhập ma, không bị các chướng ngại làm rối loạn cơ thể trong quá trình tu tập.
 

► Hơi thở tụ điểm

 
Tụ điểm là một điểm tưởng tượng, ta đặt điểm đó tại nhân trung. Khi tu tập hơi thở, ý thức đặt im tại tụ điểm nhân trung để biết hơi thở đi qua đó. Chỉ trừ đề mục thứ tư “cảm giác toàn thân” là ý rời tụ điểm để cảm nhận sự rung động của toàn thân một cách tự nhiên.
 
Gọi là tụ điểm vì đây là điểm cột chặt 6 thức. Bình thường 6 thức là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý giống như 6 con vật thường chạy lăng xăng theo nhiều hướng khác nhau. Tụ điểm ví như cái cọc cột chặt 6 thức ở yên một chỗ, không để chúng phóng giật. Mắt không còn chạy theo sắc, tai không còn chạy theo âm thanh…
 
Có nhiều người từng tu tập theo cách theo dõi hơi thở đi vào lỗ mũi, vào đến phổi, xuống bụng, rồi theo dõi hơi thở đi ra. Đó là cách tu tập của ngoại đạo.
 
Tu tập hơi thở tụ điểm là ta tạo một tụ điểm tại nhân trung rồi quan sát hơi thở đi qua tụ điểm. Từ tụ điểm đó hơi thở vào. Từ tụ điểm đó hơi thở ra. Sáu thức nằm yên tại tụ điểm và biết hơi thở đi qua, chứ sáu thức không chạy theo hơi thở đi vào, đi ra. Khi tập quen rồi, sáu thức sẽ nằm yên tại tụ điểm, ngoại cảnh không còn tác động vào ta được nữa, các cảm thọ của thân cũng không còn gây chướng ngại cho ta được nữa.
 
(Nhân trung là rãnh lõm ngay dưới mũi, nối giữa mũi và môi trên).
 
- Cách ngồi khi tu tập định niệm hơi thở:
 
Tu tập định niệm hơi thở thì phải ngồi kiết già, nếu chưa quen thì tạm thời ngồi bán già, nhưng phải tập ngồi kiết già cho được. Giữ lưng ngay thẳng, không khòm, không nghiêng tới trước hay ngả sang bên, cũng không rướn người quá cao, chỉ giữ ở mức thoải mái mà thẳng lưng. Lúc này, hành giả phải kiểm soát lưng cho thẳng sau mỗi vài phút. Đầu ngẩng lên thẳng với lưng, không cúi tới trước, không nghiêng sang bên. Hành giả cũng phải kiểm soát giữ đầu thẳng sau mỗi vài phút. Mắt nhìn xuống phía chóp mũi, ý tập trung ở điểm giữa nhân trung, để cảm nhận hơi thở đi vào và đi ra ngang qua điểm này.
 
Hai tay úp trên đầu gối, hay buông thõng trước hai ống chân, hoặc để ngửa chồng lên nhau tựa sát bụng, đặt trên hai gót chân. Để tay đâu cũng được, miễn sao cho thoải mái.
 
Sau khi ngồi đúng tư thế xong, không nhúc nhích động đậy, nhưng không gồng cứng cơ bắp nào, giữ yên tĩnh toàn thân ít nhất vài phút, thoải mái cảm nhận toàn thân và cảm nhận hơi thở vô ra tự nhiên, lưu ý và giữ sự tự nhiên này của hơi thở.
 
Chuẩn bị như thế xong, hành giả mới bắt đầu tu tập hơi thở tụ điểm, sau đó là các đề mục của định niệm hơi thở. Nhớ chọn nơi chốn yên tĩnh, vắng vẻ để tu tập.
 
Thực hành tu tập hơi thở tụ điểm:
 
Hơi thở tụ điểm chính là đề mục đầu tiên và cũng là đề mục nền tảng của định niệm hơi thở. Hành giả dùng hơi thở tự nhiên để tu tập hơi thở tụ điểm. Cách thực hành như sau:
 
Ngồi kiết già, sau khi toàn thân yên lặng, tác ý “ý thức đặt tại nhân trung, phải tập trung biết hơi thở vô, biết hơi thở ra”, hai mắt nhìn xuống phía chóp mũi, tác ý “hít vô, tôi biết tôi hít vô; thở ra, tôi biết tôi thở ra”, tác ý xong thì hít vào thở ra một cách tự nhiên, ý tập trung ở điểm giữa nhân trung để cảm nhận hơi thở đi vào và đi ra ngang qua điểm này. Đủ 5 hơi thở tác ý “dừng”.
 
Hành giả có thể chọn cách đếm số trước mỗi hơi thở. Cách thực hành giống như trên, nhưng trước mỗi hơi thở hành giả đếm số rồi mới hít vào thở ra. Ví dụ, đếm “một” rồi hít vào thở ra, thở ra xong đếm “hai” rồi hít vào thở ra, cứ vậy cho hết 5 hơi thở.
 
Mới tu tập nên hành giả chỉ tập 5 hơi thở cho quen và có chất lượng nhiếp tâm, an trú tâm. Nếu không có một niệm nào xen vào trong hơi thở, tâm chỉ biết duy nhất có hơi thở vào ra một cách nhẹ nhàng, thoải mái, dễ chịu, thì đấy là hành giả tu đúng pháp. Còn ngược lại, thấy căng mặt, nhức đầu, tức ngực, khó thở, rối loạn hô hấp… thì đấy là tu sai pháp, có sự ức chế tâm, cần dừng lại không tu hơi thở nữa, mà nên quay lại tu tập xả tâm bằng tri kiến và thiện pháp.
 
Nếu tu đúng pháp, hành giả không vội tăng thời gian lên mà vẫn tập 5 hơi thở cho nhuần nhuyễn, thuần thục. Khi nào thật sự nhuần nhuyễn rồi thì tăng lên 10 hơi thở mỗi lần tập. Cứ như vậy, tăng đến tối đa mỗi lần tập là 30 phút. Nếu 1 ngày tu tập hai lần trở lên thì giữa các lần tập phải có thời gian xả nghỉ một lúc, khi xả nghỉ có thể đi chơi, đi kinh hành thư giãn hay làm việc khác.
 
Hơi thở là thân hành nội nên phải hết sức cẩn thận, hành giả không nên tu nhiều để tránh bị ức chế. Thầy Thông Lạc còn khuyên nếu không có người hướng dẫn thì hành giả không nên tự ý tu tập. Vì vậy, nếu muốn tu tập, trước hết hành giả phải xả tâm cho sạch và nghe thật kỹ các bài giảng của Trưởng Lão về tu tập hơi thở, sau đó phải nhận biết cho được hơi thở tự nhiên, dù nhiều tháng hay vài năm cũng phải nhận biết cho được. Nhận biết rõ ràng rồi mới tập hơi thở tụ điểm, không nên tập nhiều, mà chỉ nên tập 5 hơi thở, khi quen, thuần thục 5 hơi thở rồi thì tập 10 hơi thở. Dừng ở mốc 5 và 10 hơi thở này để tu tập trong nhiều năm, không cần tăng lên nhiều hơn.
 

► Các đề mục định niệm hơi thở

 
Nền tảng hơi thở là đề mục đầu tiên “hít vô, tôi biết tôi hít vô; thở ra, tôi biết tôi thở ra”, chính là hơi thở tụ điểm đã tìm hiểu ở phần trên. Hành giả chỉ cần tập trung thực hiện tốt đề mục này. Khi thực hiện thuần thục được đề mục đầu rồi thì tất cả các đề mục sau hành giả tu tập dễ dàng, không mất thời gian.
 
Trong các đề mục còn lại có 3 đề mục an trú tâm tạo nội lực mạnh để diệt trừ ác pháp cảm thọ, đẩy lui bệnh khổ, đó là:
 
- Đề mục thứ năm "an tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra", giúp thân an ổn, đẩy lui các chướng ngại trên thân, diệt trừ bệnh khổ.
 
- Đề mục thứ bảy "an tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành, tôi biết tôi thở ra", giúp tâm an ổn, đẩy lui các cảm thọ trong tâm.
 
- Đề mục thứ chín "quán thọ vô thường, tôi biết tôi hít vô; quán thọ vô thường, tôi biết tôi thở ra", giúp tâm không dao động, không sợ hãi khi thân có bệnh tật khổ đau, đẩy lui bệnh tật.
 
Cách thực hành 3 đề mục này giống đề mục đầu tiên (hơi thở tụ điểm), chỉ thay câu tác ý “hít vô, tôi biết tôi hít vô; thở ra, tôi biết tôi thở ra” lần lượt bằng 3 câu tác ý trên.
 
Các đề mục còn lại các bạn có thể tham khảo trong sách và băng giảng của Trưởng Lão.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây