Bậc Chân Nhân, Hiền Thiện
- Thứ năm - 18/04/2024 09:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bậc chân nhân là người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu... là người có lòng tin, có xấu hổ, có sợ hãi, nghe nhiều, siêng năng tinh cần, có niệm, có trí tuệ...
Đức Phật giảng chi tiết về 4 hạng người: bậc chân nhân, hiền thiện; người tốt hơn cả bậc chân nhân, hiền thiện; người không chân nhân, ác độc; người kém hơn cả người không chân nhân, ác độc.
- 4 hạng người chân nhân (về đạo đức nhân bản):
* Người không chân nhân: là hạng người sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu.
* Người kém hơn cả người không chân nhân: là người tự mình sát sanh và khích lệ người khác sát sanh; tự mình lấy của không cho và khích lệ người khác lấy của không cho; tự mình sống tà hạnh trong các dục và khích lệ người khác sống tà hạnh trong các dục, tự mình nói láo và khích lệ người khác nói láo, tự mình đắm say rượu men, rượu nấu và khích lệ người khác đắm say rượu men, rượu nấu.
* Bậc chân nhân: là người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.
* Người tốt hơn cả bậc chân nhân: là người tự mình từ bỏ sát sanh và khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho và khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục và khích lệ người từ bỏ khác tà hạnh trong các dục; tự mình từ bỏ nói láo và khích lệ người khác từ bỏ nói láo, tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu và khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.
- 4 hạng người chân nhân (về lòng tin):
* Người không chân nhân: là người không có lòng tin, không có xấu hổ, không có sợ hãi, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ.
* Người kém hơn cả người không chân nhân: là người tự mình không tin và khích lệ người khác không tin; tự mình không xấu hổ và khích lệ người khác không xấu hổ; tự mình không sợ hãi và khích lệ người khác không sợ hãi; tự mình nghe ít và khích lệ người khác nghe ít; tự mình biếng nhác và khích lệ người khác biếng khác; tự mình thất niệm và khích lệ người khác thất niệm; tự mình liệt tuệ và khích lệ người khác liệt tuệ.
* Bậc chân nhân: là người có lòng tin, có xấu hổ, có sợ hãi, nghe nhiều, siêng năng tinh cần, có niệm, có trí tuệ.
* Người tốt hơn cả bậc chân nhân: là người tự mình đầy đủ lòng tin, còn khích lệ người khác có đầy đủ lòng tin; tự mình có xấu hổ và khích lệ người khác có xấu hổ; tự mình có sợ hãi và khích lệ người khác có sợ hãi; tự mình nghe nhiều và khích lệ người khác nghe nhiều; tự mình siêng năng tinh cần và khích lệ người khác siêng năng tinh cần; tự mình chánh niệm và khích lệ người khác chánh niệm; tự mình có trí tuệ và khích lệ người khác có trí tuệ.
Tóm tắt từ: Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn Pháp - Phẩm 21: Phẩm Bậc Chân Nhân.
**************************************************
Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn Pháp - Phẩm 21: Phẩm Bậc Chân Nhân
(I) (201) Các Học Pháp
1.- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Thầy về người không Chân nhân và người không Chân nhân hơn cả người không Chân nhân; về bậc Chân nhân và bậc Chân nhân hơn cả bậc Chân nhân. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
2.- Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không Chân nhân.
3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình sát sanh và khích lệ người khác sát sanh; tự mình lấy của không cho và khích lệ người khác lấy của không cho; tự mình sống tà hạnh trong các dục và khích lệ người khác sống tà hạnh trong các dục, tự mình nói láo và khích lệ người khác nói láo, tự mình đắm say rượu men, rượu nấu và khích lệ người khác đắm say rượu men, rượu nấu. Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là bậc Chân nhân.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình từ bỏ sát sanh và khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho và khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục và khích lệ người từ bỏ khác tà hạnh trong các dục; tự mình từ bỏ nói láo và khích lệ người khác từ bỏ nói láo, tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu và khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân.
(II) (202) Người Có Lòng Tin
1.- Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Thầy về người không Chân nhân và người không Chân nhân hơn cả người không Chân nhân; về bậc Chân nhân và bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
2.- Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có lòng tin, không có xấu hổ, không có sợ hãi, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không Chân nhân.
3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình không tin và khích lệ người khác không tin; tự mình không xấu hổ và khích lệ người khác không xấu hổ; tự mình không sợ hãi và khích lệ người khác không sợ hãi; tự mình nghe ít và khích lệ người khác nghe ít; tự mình biếng nhác và khích lệ người khác biếng khác; tự mình thất niệm và khích lệ người khác thất niệm; tự mình liệt tuệ và khích lệ người khác liệt tuệ.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gọi là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có lòng tin, có xấu hổ, có sợ hãi, nghe nhiều, siêng năng tinh cần, có niệm, có trí tuệ.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là bậc Chân nhân.
5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình đầy đủ lòng tin, còn khích lệ người khác có đầy đủ lòng tin; tự mình có xấu hổ và khích lệ người khác có xấu hổ; tự mình có sợ hãi và khích lệ người khác có sợ hãi; tự mình nghe nhiều và khích lệ người khác nghe nhiều; tự mình siêng năng tinh cần và khích lệ người khác siêng năng tinh cần; tự mình chánh niệm và khích lệ người khác chánh niệm; tự mình có trí tuệ và khích lệ người khác có trí tuệ.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là gọi là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân.
(III) (203) Kẻ Tàn Hại Chúng Sanh
1.- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Thầy về người không Chân nhân và người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân; về bậc Chân nhân và bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
2.- Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không Chân nhân.
3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình sát sanh, còn khích lệ người khác sát sanh; tự mình lấy của không cho và khích lệ người khác lấy của không cho; tự mình tà hạnh trong các dục và khích lệ người khác tà hạnh trong các dục; tự mình nói láo và khích lệ người khác nói láo; tự mình nói hai lưỡi và khích lệ người khác nói hai lưỡi; tự mình nói lời thô ác và khích lệ người khác nói lời thô ác; tự mình nói lời phù phiếm và khích lệ người khác nói lời phù phiếm.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gọi là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là bậc Chân nhân.
5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình từ bỏ sát sanh, còn khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho và khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục và khích lệ người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục; tự mình từ bỏ nói láo và khích lệ người khác từ bỏ nói láo; tự mình từ bỏ nói hai lưỡi và khích lệ người khác từ bỏ nói hai lưỡi; tự mình từ bỏ nói lời thô ác và khích lệ người khác từ bỏ nói lời thô ác; tự mình từ bỏ nói lời phù phiếm và khích lệ người khác từ bỏ nói lời phù phiếm.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gọi là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân.
(IV) (204) Mười Hạnh
(Giống như kinh 203, chỉ thêm vào ba pháp sau là có tham, có sân và tà kiến).
(V) (205) Con Ðường Tám Ngành
1. (Như kinh 203, 1)
2.- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có tà kiến, có tà tư duy, có tà ngữ, có tà nghiệp, có tà mạng, có tà tinh tấn, có tà niệm, có tà định.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không Chân nhân.
3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình có tà kiến, còn khích lệ người khác có tà kiến; có tà tư duy..; có tà ngữ..; có tà nghiệp ..; có tà mạng …; có tà tinh tấn …; có tà niệm …; có tà định, còn khích lệ người khác có tà định.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gọi là người không Chân nhân còn hơn cả người không Chân nhân.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có chánh tri kiến, có chánh tư duy, có chánh ngữ, có chánh nghiệp, có chánh mạng, có chánh tinh tấn, có chánh niệm, có chánh định.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là bậc Chân nhân.
5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình có chánh tri kiến, còn khích lệ người khác có chánh tri kiến; có chánh tư duy…; có chánh ngữ…; có chánh nghiệp…; có chánh mạng…; có chánh tinh tấn…; có chánh niệm…; có chánh định, còn khích lệ người khác có chánh định.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gọi là bậc Chân nhân còn hơn cả bậc Chân nhân.
(VI) (206) Con Ðường Mười Ngành
… (Như kinh 205, chỉ thêm hai pháp: tà trí, tà giải thoát cho người không Chân nhân, và chánh trí, chánh giải thoát cho bậc Chân nhân)
(VII) (207) Kẻ Ác Ðộc (1)
1.- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Thầy về người độc ác và người độc ác hơn cả người độc ác; về người hiền thiện và người hiền thiện hơn cả người hiền thiện. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
2.- Này các Tỷ-kheo, thế nào là người độc ác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh … (như kinh 204.2) … có tà kiến
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người độc ác.
3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là người độc ác còn hơn cả người độc ác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình sát sanh, còn khích lệ người khác sát sanh; có người tự mình có tà kiến, còn khích lệ người khác có tà kiến.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người độc ác còn hơn người độc ác.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người hiền thiện?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh … có chánh kiến.
Người này, này các Tỷ kheo, được gọi là người hiền thiện.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người hiền thiện còn hơn cả người hiền thiện?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình từ bỏ sát sanh, còn khích lệ người khác từ bỏ sát sanh …; tự mình có chánh kiến, còn khích lệ người khác có chánh kiến.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người hiền thiện còn hơn cả bậc hiền thiện.
(VIII) (208) Kẻ Ác Ðộc (2)
(Giống như kinh 206 với mười đức tánh, chỉ khác ở đây có kẻ ác độc và người hiền thiện, kinh trước nói đến người không Chân nhân và bậc Chân nhân).
(IX) (209) Ác Tánh
1.- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Thầy về có người ác tánh và người có ác tánh hơn cả người có ác tánh; về người có tánh hiền thiện và người có tánh hiền thiện hơn cả người có tánh hiền thiện. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
2.- Này các Tỷ-kheo, thế nào là người ác tánh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh … có tà kiến.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có ác tánh.
3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là người có ác tánh còn hơn cả người có ác tánh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình sát sanh, còn khích lệ người khác sát sanh …; có người tự mình có tà kiến, còn khích lệ người khác có tà kiến.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người độc ác còn hơn người có ác tánh.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có tánh hiền thiện?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh … có chánh tri kiến.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có tánh hiền thiện.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có tánh hiền thiện còn hơn cả người có thánh hiền thiện?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình từ bỏ sát sanh, còn khích lệ người khác từ bỏ sát sanh …; tự mình có chánh tri kiến, còn khích lệ người khác có chánh tri kiến.
Người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có tánh hiền thiện còn hơn cả người có tánh hiền thiện.
(X) (210) Tánh Ác Ðộc
(Như kinh 208)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt