TU TẬP TƯỞNG BẤT TỊNH ĐỂ NHÀM CHÁN DÂM DỤC
- Thứ năm - 05/12/2024 11:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán.
Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bảy Pháp - Phẩm 5: Phẩm Tế Đàn - Đoạn 1 Đến 6
(I) (41) Thức Trú
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy thức trú này. Thế nào là bảy?
2. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân khác, tưởng khác, như loài Người, một số Thiên nhân, một số các loài ở trong đọa xứ. Ðây là thức trú thứ nhất.
3. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân khác, tưởng là một, như Phạm chúng thiên được sanh nhờ chứng sơ Thiền. Ðây là thức trú thứ hai.
4. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân là một, tưởng khác, như chư Thiên Quang âm. Ðây là thức trú thứ ba.
5. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân là một, tưởng là một, như chư Thiên Biến Tịnh. Ðây là thức trú thứ tư.
6. Có các loài hữu tính, này các Tỷ-kheo, vượt hoàn toàn các sắc tưởng, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng, đạt đến Không vô biên xứ, biết rằng: “Hư không là vô biên”. Ðây là thức trú thứ năm.
7. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, vượt hoàn toàn Không vô biên xứ, đạt đến Thức vô biên xứ, biết rằng: “Thức là vô biên”. Ðây là thức trú thứ sáu.
8. Có các loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, vượt hoàn toàn Thức vô biên xứ, đạt đến Vô sở hữu xứ, biết rằng: “Không có vật gì”. Ðây là thức trú thứ bảy.
Này các Tỷ-kheo, có bảy thức trú này.
(II) (42) Tư Lương Cho Ðịnh
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy tư lương này của định. Thế nào là bảy?
2. Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Nhất tâm, này các Tỷ-kheo, được bảy chi phần này làm tư lương; đây được gọi là Thánh chánh định, này các Tỷ-kheo, với các sở ý, với các tư lương.
(III) (43) Lửa (1)
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy loại lửa này. Thế nào là bảy?
2. Lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa những vị đáng cung kính, lửa gia chủ, lửa các vị đáng cúng dường, lửa củi.
Này các Tỷ-kheo, có bảy loại lửa này.
(IV) (44) Lửa (2)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một tế đàn lớn đang được thiết lập cho Bà-la-môn Uggatasarìra, năm trăm con bò đực được dắt đến trụ tế đàn, năm trăm con nghé đực được dắt đến trụ tế đàn, năm trăm con nghé cái được dắt đến trụ tế đàn, năm trăm con dê được dắt đến trụ tế đàn, và năm trăm con cừu được dắt đến trụ tế đàn. Rồi Bà-la-môn Uggatasarìra đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Uggatasarìra thưa với Thế Tôn:
– Tôi được nghe như sau, thưa Tôn giả Gotama: “Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn”.
– Này Bà-la-môn, Ta cũng có nghe: “Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn”.
Lần thứ hai… Lần thứ ba, Bà-la-môn Uggatasarìra thưa với Thế Tôn:
– Tôi được nghe như sau, thưa Tôn giả Gotama: “Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn”.
– Này Bà-la-môn, Ta cũng có nghe: “Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn”.
– Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng ta đồng một mục đích, Tôn giả Gotama và chúng tôi; thật vậy, chúng ta hoàn toàn đồng nhau.
2. Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Ananda nói với Bà-la-môn Uggatasarìra:
– Này Bà-la-môn, không nên hỏi Như Lai rằng: “Tôi được nghe như sau, thưa Tôn giả Gotama: “Nhen nhúm ngọn lửa và dựng lên trụ tế đàn có quả lớn, có lợi ích lớn”. Này Bà-la-môn, cần hỏi Như Lai như sau: “Bạch Thế Tôn, con muốn nhen nhúm ngọn lửa, con muốn dựng lên trụ tế đàn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết dạy cho con, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài!”
3. Rồi Bà-la-môn Uggatasarìra bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, con muốn nhen nhúm ngọn lửa, con muốn dựng trụ tế đàn. Thưa Tôn giả Gotama, Tôn giả Gotama hãy giáo giới cho con; Tôn giả Gotama hãy thuyết dạy cho con, để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
– Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi tế lễ đàn, dựng lên ba cây kiếm bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục. Thế nào là ba?
4. Thân kiếm, ngữ kiếm, ý kiếm. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, khởi lên ý nghĩ: “Chừng ấy con bò đực cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con nghé đực cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con nghé cái cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con dê cần phải giết cho lễ tế đàn, chừng ấy con cừu cần phải giết cho lễ tế đàn”. Vị ấy nghĩ rằng: “Tôi làm công đức”, lại làm bất thiện; nghĩ rằng: “Tôi tìm con đường đưa đến cõi lành”, lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ý kiếm thứ nhất, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
5. Lại nữa, này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, nói như sau: “Hãy giết chừng ấy con bò đực cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con nghé đực cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con nghé cái cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con dê cho lễ tế đàn. Hãy giết chừng ấy con cừu cho lễ tế đàn.”. Vị ấy nghĩ rằng: “Tôi làm công đức”, lại làm phi công đức; nghĩ rằng: “Tôi làm thiện”, lại làm bất thiện; nghĩ rằng: “Tôi tìm con đường đưa đến cõi lành”, lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ngữ kiếm thứ hai, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
6. Lại nữa, này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, tự mình bắt đầu khởi sự công việc: “Hãy giết các con bò đực cho lễ tế đàn”; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: “Hãy giết các con nghé đực cho lễ tế đàn”; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: “Hãy giết các con nghé cái cho lễ tế đàn”; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: “Hãy giết các con dê cho lễ tế đàn”; tự mình bắt đầu khởi sự công việc: “Hãy giết các con cừu cho lễ tế đàn”. Vị ấy nghĩ rằng: “Tôi làm công đức”, lại làm phi công đức; nghĩ rằng: “Tôi làm thiện”, lại làm bất thiện; nghĩ rằng: “Tôi tìm con đường đưa đến cõi lành”, lại tìm con đường đưa đến cõi dữ. Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên thân kiếm thứ ba, bất thiện đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ba cây kiếm này, đưa đến khổ sanh, khổ dị thục.
7. Này Bà-la-môn, ba ngọn lửa này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa. Thế nào là ba?
8. Lửa tham, lửa sân, lửa si. Vì sao, này Bà-la-môn, lửa tham cần phải đoạn diệt, cần phải tránh xa, không nên thân cận?
9. Người bị tham làm cho ái nhiễm, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy, lửa tham này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận. Và này Bà-la-môn, vì sao lửa sân cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận?
10. Người bị sân làm cho tức giận, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy lửa sân này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận. Và này Bà-la-môn, vì sao lửa si cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận?
11. Người bị si làm cho mê mờ, chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này Bà-la-môn, làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý. Người ấy sau khi làm ác hạnh với thân, làm ác hạnh với lời nói, làm ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do vậy lửa si này cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.
Ba lửa này, này Bà-la-môn, cần phải đoạn tận, cần phải tránh xa, không nên thân cận.
12. Ba lửa này, này Bà-la-môn, được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc. Thế nào là ba?
13. Lửa đáng cung kính, lửa gia chủ, lửa đáng cúng dường. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa đáng cung kính?
14. Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ, những người cha của người ấy, này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì sao? Vì từ đó lửa đáng cung kính này khiến cho mang lại, khiến cho sanh ra. Do vậy, này Bà-la-môn, lửa đáng cung kính này được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa gia chủ?
15. Ở đây, này Bà-la-môn, những người con, những người vợ, những người phục dịch, những người đưa tin, hoặc những người làm công cho người ấy, này Bà-la-môn, đây gọi là lửa gia chủ. Do vậy lửa gia chủ này được cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chánh lạc. Và này Bà-la-môn, thế nào là lửa đáng được cúng dường?
16. Ở đây, này Bà-la-môn, những Sa-môn, Bà-la-môn nào từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, sống kham nhẫn nhu hòa; mỗi người điều phục tự ngã; mỗi người an chỉ tự ngã; mỗi người lắng dịu tự ngã. Này Bà-la-môn, đây gọi là ngọn lửa đáng được cúng dường. Do vậy lửa đáng được cúng dường này được cung kính, được tôn trọng, đáng được cúng dường, phải đem lại chánh lạc.
Này Bà-la-môn, ba ngọn lửa này được cung kính, được tôn trọng, đáng được cúng dường, phải đem lại chánh lạc.
Còn lửa củi này, này Bà-la-môn, cần phải thường thường nhen đốt nó lên, cần phải thường thường chăm sóc duy trì, cần phải thường thường dập tắt, cần phải thường thường để một bên.
17. Ðược nói như vậy, Bà-la-môn Uggatasarìra bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama hãy nhận còn làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. Và thưa Tôn giả Gotama, con sẽ thả năm trăm con bò đực và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con nghé đực và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con nghé cái và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con dê và cho chúng sống; con sẽ thả năm trăm con cừu và cho chúng sống. Hãy để chúng ăn cỏ xanh; hãy để chúng uống nước mát; hãy để gió thổi chúng mát.
(V) (45) Tưởng (1)
1. – Có bảy tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là bảy?
2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán đối với các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ.
Bảy tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.
(VI) (46) Tưởng (2)
1. – Có bảy tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là bảy?
2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán đối với các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ.
3. Tưởng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
4. Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán. Ví như, này các Tỷ-kheo, lông gà hay là dây gân quăng vào lửa thời thối lui, trở lưng, quay lưng, và không căng thẳng; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, nhưng tâm lại chạy theo, đắm vào dâm dục, không khởi lên nhàm chán, thời Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: “Tưởng bất tịnh không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả tu tập”. Ở đấy, vị ấy tỉnh giác như vậy. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: “Tưởng bất tịnh được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả tu tập”. Ở đấy, vị ấy tỉnh giác như vậy. Tưởng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy.
5. Tưởng chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
6. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống nhiều với tưởng chết, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng không thích thú sự sống, do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời… (như số 4 ở trên, chỉ khác trước là tưởng bất tịnh, đây là tưởng chết, với sự thay đổi cần thiết)… Do duyên gì được nói đến như vậy.
7. Tưởng nhàm chán đối với món ăn, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
8. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng nhàm chán đối với các món ăn, thời tâm thối lui… không tham ái các vị; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời… (như số 4 ở trên, chỉ khác đây là tưởng nhàm chán đối với các món ăn)… Do duyên gì được nói đến như vậy.
9. Tưởng không hoan hỷ đối với các thế giới, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
10. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với tưởng không hoan hỷ đối với các thế giới, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng với các lòe loẹt của thế giới; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời… (như số 4 ở trên, chỉ khác đây là tâm không hoan hỷ đối với các thế giới và những thay đổi cần thiết)… Do duyên gì được nói đến như vậy.
11. Tưởng vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?
12. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với tưởng vô thường, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng với các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời… (như số 4 ở trên, chỉ khác đây là tưởng vô thường với những thay đổi cần thiết)…
13. Tưởng khổ trên vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
14. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, thời các tưởng sợ hãi sắc bén được an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát; ví như một kẻ giết người giơ đao lên. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, nhưng các tưởng sợ hãi sắc bén không được an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát; thời không giống như một kẻ giết người giơ đao lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: “Tưởng khổ trên vô thường không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả của sự tu tập.” Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng khổ trên vô thường, thời các tưởng sợ hãi sắc bén an lập trên thụ động, biếng nhác, thả lỏng, phóng dật, không chú tâm, không quán sát, ví như một kẻ giết người giơ đao lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải hiểu rằng: “Tưởng khổ trên vô thường được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả của sự tu tập.” Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy. Tưởng khổ trên vô thường, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy.
15. Tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
16. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, ý của vị ấy thoát khỏi các tư tưởng ngã, ngã sở, ngã mạn, đối với cái thân có thức nầy và đối với tất cả tướng ở ngoài, khéo giải thoát, được an tịnh, vượt qua các thiên kiến. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với tâm chất chứa tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, ý của vị ấy không thoát khỏi các tư tưởng ngã, ngã sở, ngã mạn, đối với cái thân có thức nầy và đối với tất cả tướng ở ngoài, không khéo giải thoát, không được an tịnh, không vượt qua các thiên kiến. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: “Tưởng vô ngã trên khổ không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả của sự tu tập.” Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy. Nhưng này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống nhiều với các tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, ý của vị ấy thoát khỏi các tư tưởng ngã, ngã sở, ngã mạn đối với cái thân có thức và đối với tất cả tướng ở ngoài, khéo giải thoát, được an tịnh, vượt qua các thiên kiến. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: “Tưởng vô ngã trên khổ được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả của sự tu tập.” Ở đây, vị ấy tỉnh giác như vậy. Tưởng vô ngã trên khổ, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy.
Bảy tưởng này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho viên mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt