Tu hành đúng chánh Phật pháp

http://tuhanhdungchanhphatphap.net


THẬP THIỆN

Phật dạy cho con người 10 điều thiện nhằm làm 3 nơi thân, miệng, ý trở nên toàn thiện, nhờ đó đưa con người thoát khỏi cảnh lầm than, cuộc sống được hạnh phúc, an vui ngay trong đời hiện tại và mãi mãi về sau.

► Thập thiện

 
Phật dạy cho con người 10 điều thiện nhằm làm 3 nơi thân, miệng, ý trở nên toàn thiện, nhờ đó đưa con người thoát khỏi cảnh lầm than, cuộc sống được hạnh phúc, an vui ngay trong đời hiện tại và mãi mãi về sau.
 
Thiền định, tam minh từ trước đến nay rất ít người làm được. Còn thập thiện thì khác. Thập thiện mang lại lợi ích cho số đông, bởi mọi người đều có thể tu được thập thiện. Nếu mọi người đều làm 10 điều thiện sẽ đem lại hạnh phúc, an vui, thanh bình, đem lại cho xã hội có trật tự, con người không còn làm khổ nhau, biết thương yêu giúp đỡ nhau, cùng sống chan hòa một tình thương phủ trùm bên nhau.
 
10 điều thiện chia làm 3 nhóm, thân có 3 điều thiện, miệng có 4 điều thiện, ý có 3 điều thiện:
 
  • Thân có 3 điều thiện, ngược lại là 3 điều ác:
- Không giết hại chúng sanh.
- Không trộm cắp.
- Không tà dâm.
 
  • Miệng có 4 điều thiện, ngược lại là 4 điều ác:
- Không nói dối.
- Không nói thêu dệt.
- Không nói 2 chiều.
- Không nói lời hung ác.
 
  • Ý có 3 điều thiện, ngược lại là 3 điều ác:
- Không tham lam.
- Không sân hận.
- Không si mê.
 
Người sống đúng thập thiện phải thọ hưởng những lợi ích và phước báu lớn sau:
 
  • Thân không bệnh tật.
 
  • Chuyển cảnh khổ đau, đói rét thành cảnh an vui, no ấm, giàu sang, và đưa đến những cảnh thuận duyên mãi mãi trong cuộc đời.
 
  • Gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo.
 
  • Được mọi người kính yêu tin tưởng, đồng thời luôn luôn nghe và làm theo lời dạy.
 
  • Trí tuệ thù thắng, thông minh sáng suốt không ai hơn, thấu suốt lý nhân quả thiện ác không còn chỗ nào bị ngăn che.
 
  • Lời nói thẳng thắn được mọi người kính phục yêu mến.
 
  • Nói lời êm ái ngọt ngào ai nghe cũng vui mừng và yêu thích.
 
  • Không nói lời hung dữ hay chửi mắng to tiếng với một ai cả.
 
  • Không sợ sệt bất cứ một điều gì, một hoàn cảnh nào. Không thối lui trước những nghịch cảnh. Đứng trước đám đông người phát biểu những ý kiến đều nói năng lưu loát, không ngập ngừng, tiếng nói sang sảng, nhiếp phục người nghe.
 
  • Ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi một dục lạc nào trong thế gian.
 
  • Chuyển hóa được nghiệp ác từ trước đến nay và tạo cho mình nhiều phước báu, ngay trong hiện tại đời sống được an vui, yên ổn, hạnh phúc và mãi mãi ở kiếp sau cũng được giàu sang, sung sướng, đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết cho cuộc sống.
 
  • Thiền định, tam minh thì ít người làm được. Nhưng đạo đức nhân bản (thập thiện) thì ai cũng có thể làm được, thậm chí con trẻ 5 tuổi, 10 tuổi đã có thể bắt đầu tu tập. Ví dụ ta dạy chúng không giết kiến là đã dạy chúng tu thập thiện. Cho nên thập thiện dễ tu hơn và có thành quả lớn, giúp cho nhiều người giải khổ, con người không còn tự làm khổ mình, không làm khổ nhau nữa, mà cùng chung sống an vui hạnh phúc, thế gian này trở thành cõi thiên đường cực lạc.
 
  • Khi con người sống đúng thập thiện là đang sống trong từ trường thiện, tâm đã muội lược tham sân si. Thầy Thông Lạc dạy rằng: Các con giữ được 5 giới, hãy tiến lên giữ được thập thiện và học cách giữ tâm bất động. Khi các con chết, do tu tập muội lược được tham sân si nên từ trường thiện không đi tái sinh, vì nó không tương ưng được. Lúc đó, cái tưởng của các con sẽ sử dụng, dẫn từ trường thiện đi vào trạng thái bất động, vô lậu với thời gian rất ngắn (một vài giờ đến vài ngày). Dùng tưởng đi rất mau vào Niết Bàn. Sở dĩ lúc còn cái thân tu rất khó vì có nhiều thứ ràng buộc, lôi kéo, cảm thọ tác động…
 
Đức Phật dạy cho con người pháp môn tuyệt vời là thập thiện và xác định những lợi ích to lớn khi làm 3 nơi thân, miệng, ý trở nên toàn thiện. Cho nên, trong đời nếu ai gặp được thập thiện là người đã gieo căn lành trong nhiều kiếp, nhất là thường kính trọng 3 ngôi tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Nếu không chịu sống với thập thiện rồi để cuộc đời đen tối, khổ đau thì thật là uổng phí. Giống như một người có kho báu mà không chịu đem ra dùng. Còn nếu biết cố gắng sống đúng với thập thiện thì sẽ thấy phước báu đến ngay liền, không chờ đợi. Bây giờ chúng ta đi vào giải thích từng phần của thập thiện.
 
- 3 điều thiện của thân:
 
  •  Thân không giết hại chúng sinh.
 
Ta cần thực hiện những điều sau: Không giết hại chúng sinh. Không ăn thịt chúng sinh. Không vui theo sự sát sinh của người khác. Không xúi người khác sát sinh. Biết sợ hãi, xấu hổ, sám hối khi lỡ làm đau khổ chúng sinh.
 
Vạn vật sinh ra trong thế gian này, có loài nào không sợ chết, khổ đau, bệnh tật? Dù là con người hay con vật. Xét cái đau khổ của con vật khi bị cắt cổ nhổ lông, giãy giụa trên thớt dưới dao, tiếng kêu la quằn quại, nhìn lại cái đau khổ khi chúng ta đau bệnh ngặt nghèo, cơ thể rã rời, đau nhức vô kể khi nằm trên giường bệnh có khác gì nhau? Ở đời không ân huệ nào lớn hơn tha mạng chết. Có nỗi vui mừng nào hơn khi được tha chết?
 
Hãy trau dồi tâm từ bi, thấy cái thương đau của con vật như thương đau của chính mình thì việc từ bỏ ăn mạng động vật không còn khó khăn.
 
Sát sinh là nhân tạo ra nghiệp bệnh khổ, tử vong, tai nạn, yểu tử.
 
Thà nghèo mà mạnh giỏi, còn hơn giàu mà đau ốm.
 
Không sát sinh mà còn phóng sinh là nghiệp lành đứng đầu trong đạo Phật. Trong các giới đức làm người, là 5 giới, 10 điều lành, 10 giới sa di, Phật luôn đặt giới không sát sinh lên đầu tiên.
 
Kinh thập thiện dạy, nếu ai không giết hại chúng sinh, không làm đau khổ chúng sinh thì sẽ được 10 điều lợi ích: Tất cả chúng sinh đều kính mến. Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sinh. Trừ sạch thói quen giận hờn. Thân thể thường được mạnh khỏe. Tuổi thọ được lâu dài. Thường được người tốt giúp đỡ. Ngủ ngon giấc không ác mộng. Trừ được các mối thù oán. Khỏi bị đọa vào 3 đường ác. Sau khi chết được sinh vào cõi an vui.
 
  • Thân không trộm cắp.
 
Ta cần thực hiện: Không tham lam trộm cắp, không lấy thứ gì của người khác khi chưa được cho phép, dù là vật nhỏ nhất. Thường bố thí, thực hành tâm buông xả.
 
Tiền bạc là huyết mạch cho đời sống con người. Ai cũng cần có nó để phục vụ các nhu cầu thiết yếu ăn, mặc, ở… Trộm cắp lấy của người khác là lấy đi phương tiện sống của họ, làm cho họ đau khổ, có thể đi đến quyên sinh.
 
Của phi nghĩa có giàu đâu, vào cửa trước sẽ ra cửa sau.
 
Nhân trộm cắp, quả nghèo đói.
 
Kinh thập thiện dạy, người không trộm cắp, mà còn biết bố thí, giúp đỡ người khác sẽ được 10 quả báo phước lành: Tiền của dư dả, không bị ai lấy mất, không bị thiên tai hỏa hoạn làm mất, con cái không phá tán. Được nhiều người kính mến tin cậy. Không bị ai lừa dối, gạt gẫm. Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng, từ thiện của mình. Lòng luôn được an ổn, không lo sợ mất mát hư hao. Tiếng lành đồn xa. Ở chỗ đông người không bị khiếp đảm. Tiền của, tính mạng, nhan sắc, sức khỏe luôn được đầy đủ. Tâm thường sẵn lòng bố thí cho người bất hạnh. Khi chết được sinh vào cõi an vui hạnh phúc.
 
  • Thân không tà dâm.
 
Không dan díu với người khác khi đã có vợ (chồng).
 
Không chung chạ, ngoại tình với người khác, nhờ đó cuộc sống gia đình mới được an vui, đầm ấm, gia đình làm ăn phát đạt, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.
 
Dâm dục thái quá đưa con người đến sức khỏe hao mòn, bệnh nan y, thọ mạng không được lâu dài.
 
Người giữ gìn giới không tà dâm là người biết tôn trọng nghĩa tình với người phối ngẫu, là biết bảo vệ sức khỏe bản thân, đem lại an vui hạnh phúc cho gia đình, góp phần làm lành mạnh xã hội.
 
Kinh thập thiện dạy người không tà dâm được 4 điều lợi ích: 6 căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý) được vẹn toàn. Đoạn trừ hết thảy những phiền não quấy nhiễu. Ở đời được mọi người khen ngợi, được tiếng tốt. Vợ con không ai dám xâm phạm.
 
Trên đây là 3 điều thiện nơi thân. Tiếp đến là 4 điều thiện nơi miệng. Phần nhiều đau khổ, tai họa do nơi miệng mà ra. Vì vậy cần cẩn thận trong lời nói, chú ý tu tập cho khẩu nghiệp được thanh tịnh.
 
- 4 điều thiện của miệng:
 
  • Miệng không nói dối.
 
Nói dối là nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Sống trong xã hội, người nào nói dối là tự mình làm mất lòng tin của mọi người. Nói dối rất tai hại cho sự chung sống, nói dối quen miệng trở thành cái tật, rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa.
 
Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: Người ta ở đời, dù nói đùa chơi cũng không được nói dối, vì lẽ nói dối mà người ta biết mặt, về sau có nói thật người ta cũng không tin. Nhất là người học đạo, không nên nói dối, cho rằng mình chứng Thánh, hay đắc đạo. Nói như thế là phạm tội đại vọng ngữ sẽ đọa vào ba đường ác.
 
Kinh thập thiện dạy, người không nói dối được 8 điều lợi ích: Được mọi người tin tưởng. Lời nói ra được người người kính yêu. Miệng thường thơm sạch. Lời nói thường êm ái. Luôn được an vui như ý nguyện. Lời nói không buồn giận và luôn được vui vẻ. Lời nói được mọi người tôn trọng, vâng theo. Trí tuệ thù thắng không ai hơn.
 
  • Miệng không nói lời thêu dệt, phù phiếm.
 
Người đời thường hay trau chuốt lời nói. Khi kể lại một chuyện gì, muốn tạo sự chú ý của người và tăng phần hấp dẫn của câu chuyện, người ta thường thêm mắm, giặm muối.
 
Đi buôn thì vật xấu mà nói là tốt, hàng giả mà bảo là hàng thật và bán giá cao, gạt người mua khiến người ta mua đồ mà xài không được.
 
Vì một chút lòng hờn ghen liền dùng lời nói thêu dệt để cho đôi bên thù hận có thể giết hại lẫn nhau, làm tổn hại tánh mạng người khác. Chỉ vì một chút lòng ganh tị hoặc thù vặt bèn dùng lời thêu dệt để lung lạc lòng người, hoặc quyến rũ, gạt gẫm người khác, làm tổn hại danh dự và tài sản, cốt để đem lại cho mình được nhiều lợi lạc và còn được tiếng thơm, tiếng tốt.
 
Ngược lại, người có lời nói đúng đắn, không thêu dệt, nói chánh lý, không dối gạt người, không làm tổn hại danh giá, tài sản và thậm chí cả tánh mạng của người, đó là người tốt.
 
Kinh thập thiện dạy, người không nói lời phù phiếm được 3 lợi ích: Được mọi người quý mến. Thường đáp được những câu hỏi khó. Có đầy đủ uy tín cao quý trong cuộc đời.
 
  • Miệng không nói lật ngược, không nói hai chiều.
 
Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Ở đời, có lắm kẻ mồm mép, vừa nói một lúc sau nói ngược trở lại; lấy quấy làm phải, lấy phải làm quấy, lật qua lật lại, tráo trở.
 
Những hạng người này ta nên tránh xa. Họ thường dụm ba, dụm bảy, đem chuyện người này nói ra, nói vào, bêu xấu, khiêu khích người khác để tạo bất hòa, thù hận. Họ còn đem chuyện của người này, gièm pha với người kia, có lúc nhạo báng, khinh chê làm cho đôi bạn thù hận, sanh mối tương tranh. Họ còn dùng môi mép, đứng trung gian gây ác cảm đôi bên để đi đến kiện thưa.
 
Người không nói lật lọng, không có làm phiền muộn bà con lối xóm, nên được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa, người gần đều kính mến. Người không nói lưỡi hai chiều thường dùng lời êm ái, an ủi, khuyên giải và giúp cho bà con, xóm giềng được hòa thuận, thân yêu, khiến cho ai nấy cũng vui vẻ, an lòng. Người này đến đâu cũng được mọi người kính yêu, gặp khó khăn thì người ấy sẽ đứng ra thu xếp, hòa giải một cách dễ dàng.
 
Người không nói lật lọng là người luôn luôn đem lời nói hòa giải giúp cho mọi người sống trong xã hội được an vui, hạnh phúc.
 
Kinh thập thiện dạy, người không nói lưỡi hai chiều được 5 điều không thể phá hoại: Nhân bất hoại, thân thường được vui vẻ, tốt lành, không bị hư hoại. Sống trong gia đình, dòng họ được sum họp, hòa hợp. Đức tin bất hoại, ai cũng tin tưởng. Pháp hạnh bất hoại, đức hạnh không bị hoại diệt. Thiện hữu tri thức bất hoại, gặp được nhiều bậc thiện hữu tri thức, người tốt.
 
Vậy người Phật tử tại gia phải giữ gìn giới không nói lật lọng, và thường hành hạnh nói lời hòa nhã, êm ái thì sẽ được phước đức lớn.
 
  • Miệng không nói lời hung ác.
 
Nói lời hung ác là nói ác cho người khác, vu khống người, luôn luôn bươi móc việc xấu của người. Người nói lời hung ác là người cộc cằn, thô lỗ, mắng nhiếc nguyền rủa, thề thốt độc địa, khinh chê người, khiến cho người ta lo sợ, hổ thẹn và khổ sở trong lòng.
 
Thí dụ có người dùng lời ác độc, thề thốt tự hại mình mà trong lòng thì muốn cho người ta bị mắc lời thề ấy, hoặc hại người: Tôi mà có nói gian cho tôi chết đi. Kẻ nào nói gian cho trời đánh nó chết đi, cho nó ra đường xe cán nó đi...
 
Lời nói dữ thường xuất phát từ tâm sân hận. Người không nói lời hung ác là người biết dùng ái ngữ. Tục ngữ ta có câu: Nói ngọt, lọt đến xương. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
 
Người không nói lời hung ác thì lời nói ôn tồn, nhã nhặn, hàm chứa một tâm hồn đầy nhân ái, tha thứ, bao dung.
 
Kinh thập thiện dạy, người nào không nói lời hung dữ sẽ được 8 món công đức: Nói đúng pháp. Lời nói có ích lợi. Lời nói đúng chân lý. Lời nói khôn khéo. Nói điều chi người cũng vâng theo. Lời nói được nhiều người tin. Lời nói không ai chê. Lời nói được yêu mến.
 
Trên đây là 4 điều thiện nơi miệng. Phải khéo léo giữ gìn, tu tập, thường ở một mình để 4 hành động của cái miệng được thanh tịnh. Khi giữ gìn được thì lời nói trở nên chậm rãi, từ tốn. Còn nếu nói mau lẹ quá thì rất dễ phạm phải 4 điều ác nơi miệng. Ta phải tập giữ cho lời nói đi sau ý. Khi ý sống với 3 điều thiện, không phạm phải 3 điều ác thì lời nói cũng trở nên chân thật, êm ái.
 
- 3 điều thiện của ý:
 
  • Ý không tham lam.
 
Con người bị cám dỗ bởi 5 thứ dục lạc: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Nếu chạy theo ham muốn và đạt được thì sinh tâm vui mừng. Không đạt được thì trở nên buồn khổ, sầu não.
 
Ham tiền của thì đầy đọa thân mạng lao động vất vả, đầu óc suy tư tính toán. Thân và tâm không được an vui ngơi nghỉ. Người đời phải rất cực khổ mới tạo dựng được của cải tài sản, nhưng khi đạt được thì ngồi trên đống tiền như ngồi trên đống lửa, lo sợ bị mất, tâm luôn bất an. Vất vả bao lâu nhưng hưởng thụ lại rất nhanh chóng.
 
Ham sắc đẹp thì phải tổn phí tiền bạc rất nhiều, lại mất sức khỏe, hao tổn tinh thần.
 
Ham danh vọng, quyền cao chức trọng thì phải vào luồn ra cúi, nịnh bợ, hối lộ.
 
Ham ăn uống món ngon vật lạ thì dễ mắc nhiều bệnh tật khó trị. Ăn uống phi thời thức ăn trở thành độc dược.
 
Ham ngủ nghỉ thì trí tuệ tối tăm, mê muội, sinh biếng nhác, thiếu ý chí chủ động, thiếu nghị lực, dần dần trở thành kẻ ăn bám vào người khác.
 
Do ham muốn mà dễ gây nhiều nghiệp ác.
 
Chúng ta phải thường ngày khắc phục, chiến đấu chống lại lòng ham muốn của mình để không bị 5 thứ dục lạc lôi cuốn. Nhờ thế mới có được đời sống thiểu dục tri túc, đơn giản, thanh tao, an nhàn.
 
Diệt tâm tham muốn là diệt đế, là niết bàn, là trạng thái tâm hồn thanh thản. Chỉ cần không ham muốn là các bạn đạt được cảnh giới niết bàn ngay đó.
 
Nhiều người cho rằng không còn ham muốn thì cuộc sống tẻ nhạt, không còn việc gì để làm. Đó là cái hiểu lầm lạc của người chưa ly dục. Người tu tập ly được các dục sẽ sinh ra hỷ do ly dục. Ly càng nhiều thì sự hỷ lạc càng nhiều. Ly dục đến đâu thấy sự thanh thản, giải thoát đến đó. Bởi vậy tu là sướng chứ không phải khổ, không phải tẻ nhạt. Người ham muốn mà không đạt được mới thấy tẻ nhạt.
 
Nên nhớ sống để trả nghiệp, dùng pháp Phật để giải trừ ác nghiệp, chứ không phải sống để tham đắm, si mê dục lạc mà tạo thêm nghiệp.
 
Làm sao để ý không tham lam, dính mắc?
 
Phải tu tập định vô lậu, đặt niệm bất tịnh, vô thường trước mặt, tư duy quán xét để tri kiến giải thoát trong đầu phóng ra. Nhờ có tri kiến giải thoát, ta thông suốt các pháp là vô thường, thân người và thực phẩm là bất tịnh, ta thấy rõ sự tai hại của các dục, lợi ích thiết thực khi ly dục. Từ đó ta không còn tham lam, dính mắc, ta chọn sống hạnh thiểu dục tri túc, cuộc sống đơn giản, thanh tao, an nhàn. Bên cạnh định vô lậu, ta phải tu tập chánh niệm tỉnh giác, đi kinh hành để đối trị cơn buồn ngủ.
 
Kinh thập thiện dạy, người nào không tham đắm dục lạc thế gian thì được 5 món công đức tự tại: 3 nghiệp thân khẩu ý được tự tại, các căn được đầy đủ. Của cải được tự tại, không hao mất. Phước đức tự tại. Ngôi vua tự tại. Được hưởng lợi gấp trăm lần đã định.
 
Người đệ tử Phật chẳng những từ bỏ tật tham lam, mà còn hành hạnh bố thí. Bố thí tức là hạnh buông xả. Buông bỏ, không chất chứa tài sản của cải, mà còn chia sẻ cho người nghèo khổ, bất hạnh. Không màng công danh, phú quí, không bận tâm tranh danh đoạt lợi, hằng sống với tâm buông xả thì tâm trí thảnh thơi, dạo chơi thanh thản, giấc ngủ an lành, ít bệnh, ít khổ. Người có nhiều tài sản, của cải, danh lợi thì sẽ mệt mỏi nhiều, và sẽ đi chậm hơn những người biết buông xả chúng trên hành trình đi về xứ Phật, tức là giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
 
  • Ý không sân hận.
 
Tâm sân là tâm đau khổ, tâm hung ác, dữ tợn. Tâm sân hận vốn không có, chỉ vì chúng ta lầm chấp thân tâm của mình là ngã thật, từ đó luôn luôn bảo vệ, che chở.
 
Muốn biết người tu hành được giải thoát ở mức độ nào thì chúng ta chỉ cần nhìn lòng sân của họ là biết.
 
Trong 10 điều ác, lòng sân là pháp ác nhất.
 
Sân sinh khởi là trăm ngàn tai họa ập đến. Giận hờn làm mình và mọi người xung quanh đau khổ. Vì vậy, phải thường dùng pháp hướng tâm tự nhắc bản thân “giận hờn là đau khổ, là bao nhiêu tai nạn xảy đến, giận hờn khiến gia đình bất an không nguôi, vậy từ nay về sau tâm không được giận hờn nữa, tâm phải như cục đất”.
 
Lỡ khi cơn sân ập đến, ta hướng tâm nhắc ngay “tuyệt đối không nói gì, tuyệt đối không làm gì trong lúc này” và giữ gìn đúng như vậy. Không nói gì, không làm gì thì sẽ không gây ra tai họa.
 
Nhưng pháp hướng tâm là chưa đủ, cần trau dồi tâm từ bi và quan trọng nhất phải tu tập định vô lậu, quán vô ngã để thấy thân, tâm thật có không? Để phá đi cái ngã. Không chấp ngã nữa là hết sân. Thường xuyên đặt niệm thân 5 uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, để quán xét xem nó có thường còn, có phải cái ngã thật không.
 
Kinh thập thiện dạy, người nào làm chủ được tâm sân sẽ được 8 món công đức: Tâm không tổn não. Tâm không giận hờn. Tâm không tranh giành. Tâm được hòa hợp. Tâm được từ bi. Tâm thường làm lợi ích và an vui, an ổn cho mình, cho chúng sinh. Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính. Có đức tính nhu hòa, nhẫn nhục, khi chết đi được sinh vào cõi thiện.
 
  • Ý không si mê.
 
Si mê là u mê, không hiểu rõ, không biết đúng sự thật, hiểu biết không đúng chân lý. Si mê là tà kiến.
 
Người không si mê là người phán đoán rành rẽ, nhận định một cách rõ ràng, đúng đắn, không biện minh che đậy sự dốt nát, lầm lạc của mình và cũng không cố chấp vào kiến thức chủ quan của mình.
 
Người không si mê là người sáng suốt, không tin vào những tà thuyết, tà kiến mê tín dị đoan. Người si mê dù có thông minh thì họ vẫn rất cố chấp, bảo thủ, tin vào những tà thuyết, tà kiến.
 
Người si mê không phải là không hiểu biết, mà là hiểu biết không rõ, không đúng cái lý. Họ hiểu qua tâm tham đắm, dính mắc ngũ dục lạc. Họ rất thông minh nhưng u tối. Bởi cái hiểu của họ không làm cho họ an vui, yên ổn.
 
Người không si mê là người có trí tuệ thông minh thấu suốt lý nhân quả, luân hồi, nên không bao giờ tạo tội ác và luôn làm việc thiện. Họ thường tư duy quán xét vạn pháp để phá trừ vô minh, tinh tấn hằng ngày tiến bước trên đường giải thoát nội tâm của mình.
 
Người không si mê thấy biết và thấu suốt 4 chân lý của kiếp người. Biết rõ nơi đến, nơi đi của kiếp người. Biết rõ con người là duyên hợp, các pháp trên thế gian này đều là vô thường, vô ngã, khổ. Biết nhân nào, duyên nào sinh ra con người. Biết địa ngục, thiên đàng ở đâu. Biết các cõi trời, biết rõ ma, thiên vương, quỷ thần. Biết rõ con người có linh hồn hay không. Biết bát chánh đạo và các pháp tu hành giải thoát.
 
Người biết rõ như vậy là người không si mê. Người không thấu rõ những điều này là người si mê, dù họ học cao, có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, bác học.
 
Đức Phật xác định có 4 hạng người si mê:
 
a) Người đi đông đi tây, học hỏi hiểu biết nhiều chuyện kim cổ, thời tiết, chính trị, văn học, khoa học, kiến trúc, hội họa, thơ văn… Những người có sự hiểu biết nhưng những sự hiểu biết này làm tâm họ bất an. Đây gọi là phi phạm hạnh, si mê hạng nhất.
 
b) Người y cứ vào kinh sách mà giảng nói ra. Họ thuyết kinh rất hay, giảng rất hay nhưng tâm họ vẫn bất an. Đây gọi là phi phạm hạnh, si mê hạng nhì.
 
c) Người suy luận, lý luận, thuyết pháp theo nguyên tắc tự mình sáng tác mà tâm còn dính đầy danh sắc, tâm luôn bất an. Đây là phi phạm hạnh, si mê hạng ba.
 
d) Người đần độn, ngu si. Là người nói họ không hiểu, hỏi cái này thì đáp cái kia, nói bậy bạ không trúng, nói trườn uốn như con lươn. Tâm họ thường bất an. Đây là phi phạm hạnh, si mê hạng bốn.
 
Để không còn si mê, hành giả cần thực hiện những điều sau: Tìm hiểu chánh pháp, thông hiểu những gì cần thông hiểu. Từ bỏ rượu bia, các chất làm mê mờ tâm trí. Ăn ngủ điều độ, đúng giờ. Tu tập định vô lậu để có tri kiến giải thoát, thấy biết các pháp một cách chân thật. Tu tập định chánh niệm tỉnh giác để có sức tỉnh cao, phá đi các trạng thái buồn ngủ, mê mờ.
 
Kinh thập thiện dạy, người phá trừ được si mê sẽ thành tựu mười công đức: Được ý vui chân thiện và bạn chân thiện. Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm điều ác. Chỉ quy y theo Phật, không quy y theo thiên thần ngoại đạo. Tâm được ngay thẳng chánh kiến. Thường sanh lên cõi thiện, khỏi bị đọa ba đường ác. Phước huệ không lường, thường tăng lên mãi. Dứt hẳn đường tà, chăm tu chánh đạo. Không còn lòng chấp ngã, bỏ hết nghiệp ác. Trụ nơi chánh kiến. Khỏi bị nạn dữ.
 
Trên đây là 3 điều thiện của ý. Chúng ta biết rằng hành động của miệng và thân xuất phát từ ý. Nếu ý bất thiện sẽ dẫn đến các hành động kết ác nghiệp là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ và dẫn dắt con người vào khổ đau. Vì vậy, hãy siêng năng tu tập làm thanh tịnh ý, muội lược tham, sân, si để đón nhận được những lợi ích lớn.
 
Sau đây là những phẩm hạnh, những hành động sống Phật dạy cho người cư sĩ để có một nền tảng vững chắc và biết cách áp dụng thực hiện được thập thiện.
 
  • 6 ác hạnh làm tổn tài, hao của:
 
Đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc, sống phóng đãng bừa bãi, say mê kỹ nhạc, kết bạn với người ác, lười biếng.
 
  • 4 hạng oan gia nên tránh:
 
Hạng người vì sợ nên làm thân, hạng nói ngon ngọt xảo trá, hạng dối trá đặt điều, hạng ác hữu ưa uống rượu, đánh bạc, dâm dục, ca múa.
 
  • 4 hạng người cần thân cận:
 
Người thường ngăn mình làm điều quấy, chỉ bày cho mình làm những điều ngay thẳng; người có lòng thương xót, từ mẫn; người biết làm lợi cho người khác, chỉ cho mình làm những điều thiện; người cùng làm việc, cùng tư tưởng, sẵn sàng giúp đỡ mình.
 
  • Nên biết rõ 6 phương:
 
Là các phương Đông, Nam, Tây, Bắc, Dưới, Trên, lần lượt tượng trưng cho cha mẹ, thầy, vợ chồng, bạn bè, tôi tớ làm thuê, người hiền đức. Ở đây Đức Phật dạy cho ta biết cách đối xử, giao tiếp với 6 phương và 6 phương này nên đối xử ngược lại như thế nào để các mối quan hệ được tốt đẹp.
 
  • 4 hạng người sẽ mất phẩm hạnh khi chạy nhảy:
 
Người đứng đầu đất nước, voi ra trận, nhà sư, phụ nữ.
 
  • Người phụ nữ khi về nhà chồng có 10 điều cần hiểu và giữ gìn:
 
Không thuật lại lỗi lầm của cha, mẹ, chồng (đây là lỗi tệ nhất). Không nên thuật lại lời phỉ báng của người ngoài về cha, mẹ, chồng. Chỉ cho mượn những người biết trả lại. Không nên cho mượn những người mượn rồi mà không trả lại. Giúp đỡ những người thân bằng quyến thuộc quá nghèo khổ dù họ có thể trả lại hay không thể trả lại, nếu gia đình chồng đồng ý. Ngồi một cách an vui (khi cha, mẹ chồng đến nên đứng dậy chào). Ăn một cách an vui (không nên ăn trước cha, mẹ chồng). Ngủ một cách an vui (không nên ngủ trước cha, mẹ, chồng). Trông nom giữ gìn lửa (xem cha, mẹ, chồng như lửa, hết sức khéo léo thận trọng). Tôn trọng các vị trời trong nhà (coi cha, mẹ, chồng như trời).
 
  • Duyên và bổn phận:
 
Ta có duyên gặp Phật pháp nhưng phải làm tròn bổn phận mới tu giải thoát được.
 
  • Đoàn kết:
 
Dù là cư sĩ hay tu sĩ, theo các hệ phái khác nhau, nhưng cùng là Phật tử, cùng là những người đang tìm con đường giải thoát thì nên đoàn kết.
 
  • Bốn giới hòa của người cư sĩ:
 
1- Khẩu hòa không tranh cãi: về phần miệng nói, bàn luận đều trong tinh thần hòa nhã đạo đức, không được dùng lời nói lớn tiếng tranh đua, hoặc dùng lời nặng nhẹ chỉ trích nhau.
 
2-  Ý hòa cùng vui: phải có tâm ý vui hòa, không nên có tâm ý ngang ngạnh, chống đối thù hằn nhau, nên vui theo tâm ý người, làm theo ý của người khác nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp, đó là để rèn luyện hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

3- Có ý kiến hay cùng giảng giải cho nhau nghe: luôn luôn hòa hợp mọi ý kiến với nhau, đem cái hay, lợi ích giảng giải cho nhau hiểu cùng tu, cùng học.

4- Giới hòa đồng tu: lấy nội quy làm khuôn phép cùng sống như nước với sữa, cùng khích lệ, sách tấn nhau giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trên bước đường tu tập.
 
  • Ba giới đức nòng cốt của người cư sĩ:
 
1- Nhẫn nhục thấy nhân quả xả tâm: nhẫn nhục là một đức tính hòa hợp rất tốt, người cư sĩ cần nên tu tập rèn luyện để cùng sống trong gia đình và xã hội mà thân tâm được sống yên vui.

2- Tùy thuận không bị lôi cuốn: tùy thuận là một đức tính hòa hợp trong gia đình và xã hội, khiến mình và mọi người được an vui, thanh thản. Vì vậy cần phải cố gắng giữ gìn, tu tập và rèn luyện.

3- Bằng lòng, vui vẻ, hân hoan: bằng lòng là một đức tính buông xả rất tốt mà người cư sĩ cần phải giữ gìn, tu tập và rèn luyện, để cho cuộc sống có thân tâm bình an, thanh thản.
 
  • Biết xấu hổ:
 
Biết xấu hổ với những điều làm sơ suất tạo ra cảnh khổ mình, khổ người và chúng sinh.
 
Tự thẹn với những việc làm ác. Người biết tự thẹn là người biết cố gắng khắc phục mình, biết sửa lỗi mình, biết chiến đấu lại tâm mình. Người không biết tự thẹn là người không biết xấu hổ với mình, không biết cố gắng khắc phục tâm mình, không biết sửa lỗi mình và cũng không biết chiến đấu lại tâm ác của mình, để rồi phải chịu suốt một đời khổ đau và tiếp tục trong muôn đời khổ đau.
 
  • Người cư sĩ cần cảnh giác khi có 3 vị thiên sứ đến báo:
 
3 vị thiên sứ đó là: Người già tóc bạc răng rụng. Người bệnh đau đớn nhức nhối. Người chết sình trương hôi thối.
 
3 vị sứ giả này nhắc cho chúng ta biết thời gian không chờ một ai, già khổ, bệnh khổ, chết khổ có thể đến bất cứ lúc nào. Những nỗi khổ này không phải do ai làm cho chúng ta, mà chính chúng ta đã tạo ra nghiệp ác nên phải đón nhận. Vì vậy, phải biết dành thời gian tu tập thập thiện để chấm dứt khổ.
 
“Tấc bóng thời gian một tấc vàng
Tấc vàng dù mất còn tìm được
Tấc bóng thời gian khó hỏi han.”
 
“Người ngu si mê muội
Tuy đã thấy thiên sứ
Tâm vẫn còn buông lung
Sanh vào chốn ti tiện
Thì ôm lòng sợ hãi.
 
Nếu người có trí tuệ
Khi thấy thiên sứ đến
Liền gần pháp thánh hiền
Tâm không còn buông lung
Thấy thọ sanh thì sợ
Vì đó già, bệnh, chết.
 
Không thọ sanh giải thoát
Hết sanh, già, bệnh, chết
Người đó được an ổn
Hiện tại sống vô vi
Đã vượt qua lo sợ
Chắc chắn đạt niết bàn.”
 
Trên đây là những ghi chép tóm lược về pháp môn thập thiện. Để hiểu rõ ràng hơn, mời các bạn chuyển qua Phần 2 nghe các bài giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc về pháp môn này và triển khai về các giới đức, giới hạnh cần có của người cư sĩ tại gia.
 
Thập thiện là một pháp môn tuyệt vời, chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng pháp thiện là gì, pháp ác là gì. Từ đó, ta ngăn 3 nơi thân, miệng, ý làm 10 điều ác, thực hiện sống với 10 điều lành. Nhờ vậy ta trở thành một con người thiện với đầy đủ phước báu an vui hạnh phúc. Người sơ cơ mới biết tu hành cũng có thể tu thập thiện, dần dần tiến đến đạt được kết quả giải thoát vĩ đại. Các bậc Thánh thoát khỏi vòng sinh tử cũng đều phải tu thập thiện và lấy thập thiện làm căn bản cho sự tu hành của mình. Thập thiện chính là nguồn gốc căn bản giải thoát của đạo Phật. Các bạn nên chú ý nghiên cứu và thực hành pháp môn này.
 
Đến đây, chúng ta đã thông hiểu về thập thiện, nhưng làm cách nào thực hiện được 10 điều lành, từ bỏ được 10 điều ác, để 3 nơi ý, miệng, thân được thanh tịnh? Muốn làm được như vậy, chúng ta phải trau dồi 4 vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả, thực hành các pháp: như lý tác ý, định vô lậu, định chánh niệm tỉnh giác.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây