ĐỊNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC
Thứ sáu - 25/03/2022 21:33
4) Định chánh niệm tỉnh giác
Định chánh niệm tỉnh giác nghĩa là luôn tỉnh táo sáng suốt trong chánh niệm.
Tu tập định chánh niệm tỉnh giác gồm có 2 phần: tu tập tỉnh thức trên bước đi (đi kinh hành) và tu tập tỉnh thức trong những hành động sống hằng ngày.
“Chánh niệm” ở đây là cái hành động đang làm, vì chúng ta lấy hành động để làm cho sức tỉnh của chúng ta có. Luôn luôn lúc nào ý thức cũng tỉnh táo tập trung biết cái hành động đang làm thì đó là tỉnh thức.
Ví dụ ta đang tu tập tỉnh thức trên bước đi. Lúc này hành động bước đi là chánh niệm, nếu ta luôn biết bước đi là tu đúng. Nếu đang đi mà ta biết hơi thở, hay mải suy nghĩ theo niệm gì đó khởi lên là sai, vì đó là cái niệm khác chứ không phải niệm hành động bước đi. Đang đi mà quên mất hành động đang đi là thất niệm, là không tỉnh thức.
Vì vậy, khi tu tập phải tùy theo sức của mình, sức tỉnh của mình ở mức nào thì mình tập luyện ở mức đó. Ví dụ sức tỉnh của mình là 1 phút thì mình tu 1 phút rồi ngừng, không tập trung nữa. Xả nghỉ một lúc cho thân tâm thoải mái, nhẹ nhàng, sau đó tu lại 1 phút khác. Nếu sức tỉnh 1 phút mà tu tập 2 phút thì quá sức, hay tu nhiều lần quá, tu liên tục không nghỉ thì không được kết quả gì mà còn gây mệt mỏi, thất niệm, ức chế tâm.
Tu tập phải tùy theo, nương theo hành động tự nhiên của thân mình. Thân hành tự nhiên của mình là đi nhanh thì khi tu tập phải theo tướng đi nhanh mà tu, không được đi chậm. Còn ai thân hành tự nhiên là đi chậm thì khi tu tập phải theo tướng đi chậm mà tu, không được đi nhanh. Phải đi với tướng tự nhiên của mình, nương theo sự tự nhiên đó mà tu tập. Tương tự, khi tu tập trong các hành động cũng vậy.
Mỗi ngày hành giả dành một khoảng thời gian thích hợp để tu tập định chánh niệm tỉnh giác. Khi tu tập cần có sự nhiệt tâm, có lòng tin pháp môn này của Phật giúp ta có sức tỉnh thức để làm chủ thân tâm, như vậy mới có kết quả tốt. Nếu tập lấy có, thiếu sự nhiệt tâm thì không có kết quả.
Bây giờ chúng ta đi vào tìm hiểu cách thực hành tu tập tỉnh thức trên bước đi, là đi kinh hành, và tu tập tỉnh thức trong hành động sống hằng ngày. Có 2 loại đi kinh hành chúng ta cần tập, là đi kinh hành thư giãn và đi kinh hành tu tập chánh niệm tỉnh giác.
► Đi kinh hành thư giãn
Khởi đầu tu tập tỉnh thức, hành giả tập đi kinh hành thư giãn.
Trước khi đi ta hướng tâm “đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành” rồi đi như người vô sự nhàn du, không tập trung dưới bàn chân, đi để thư giãn, làm thân tâm tỉnh táo, thanh thản, nhẹ nhàng. Trong khi đi, thỉnh thoảng lâu lâu lại nhắc “đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành”.
Khi đi kinh hành có niệm khởi lên, ta xem đó là niệm ác hay niệm thiện. Nếu là niệm ác, làm khổ mình, khổ người, ta tác ý bỏ đi liền. Niệm tào lao cũng tác ý bỏ đi. Nếu là niệm thiện, ví dụ ta khởi lên làm việc này, làm việc kia để giúp người, niệm thiện là tốt, ta không diệt mà khéo nhắc để việc đó qua một bên, ta sẽ làm sau, còn bây giờ ta đang tu tập.
Đi chừng 10 phút hay 15 phút thì xả nghỉ. Nếu chưa quen thì tập chừng 5 phút. Khi quen rồi hành giả tăng dần thời gian lên, tăng đến tối đa 30 phút cho một lần tu tập.
Hành giả tu tập đi kinh hành thư giãn đều đặn hằng ngày, ít nhất một lần mỗi ngày. Ngoài ra, đi kinh hành thư giãn có thể dùng khi thân, tâm mệt mỏi, hay dùng sau khi tu tập định vô lậu để thư giãn tâm trí. Hoặc các bạn có thể sử dụng đi kinh hành thư giãn như một phương pháp vận động thay cho thể dục, rất tốt cho sức khỏe.
Muốn đi kinh hành trong vô sự được dễ dàng, hành giả nên dùng tri kiến xả tâm, đặc biệt là tri kiến về nhân quả, và sống trong thiện pháp. Xả tâm được càng nhiều càng tốt, khi đi sẽ ít khởi nghĩ lăng xăng, lo lắng, tính toán chuyện này chuyện kia.
Sau một thời gian tu tập đi kinh hành thư giãn, hành giả thấy lúc đi được an ổn, vô sự, đi xong thấy tỉnh táo, nhẹ nhàng, khỏe khoắn, và thực hành thật thuần thục, lần nào tu tập cũng thấy như vậy. Đồng thời đã có một lượng tri kiến xả tâm nhờ tu tập định vô lậu và thực hiện tốt 5 giới, thì có thể bắt đầu chuyển sang đi kinh hành tu tập chánh niệm tỉnh giác.
► Đi kinh hành tu tập chánh niệm tỉnh giác
Cách thực hành giống như đi kinh hành thư giãn, nhưng bây giờ ta thêm sự tập trung vào bước chân. Tức là ta bắt đầu tu tập nhiếp tâm. Nhiếp tâm có nghĩa là nhiếp phục tâm, bắt tâm làm theo lệnh. Nhiếp tâm vào bước chân khi đi kinh hành tức là lệnh cho tâm chỉ biết và nằm ở bước chân, không được biết các thứ khác.
Tu tập nhiếp tâm mà trước đó chưa có xả tâm bằng tri kiến và sống đúng thiện pháp thì sẽ gây ức chế. Bởi tâm chưa xả thì tâm tán loạn, lăng xăng khởi lên đủ thứ, mà ta bắt tâm ở yên một chỗ thì tâm bị ức chế. Nếu ức chế quá mạnh sẽ làm tưởng thức hoạt động, các trạng thái tưởng xuất hiện, như vậy là tu sai.
Vì vậy, trước khi đi kinh hành tập nhiếp tâm, hành giả cần xả tâm bằng tri kiến và sống được 5 giới thiện pháp. Đồng thời tu tập đi kinh hành thư giãn thuần thục để quen với việc đi trong vô sự. Lúc này, hành giả mới bắt đầu đi kinh hành chánh niệm tỉnh giác chú ý vào bước chân. Khi đi dùng ý thức để theo dõi bước chân chứ không cúi xuống mắt nhìn thẳng vào bước chân, vì nhìn xuống như vậy sức gom tâm mạnh quá, tập trung quá và gây mỏi cổ. Mắt nên nhìn về phía trước cách một khoảng vài mét. Cách thực hành cụ thể như sau:
Hành giả chọn một nơi thanh vắng để tu tập, có thể đi quanh sân hay đi quanh nhà, nếu phòng riêng đủ rộng thì đi quanh phòng. Nên chọn đoạn đường không có động vật, côn trùng. Trước khi đi ta nhắc tâm “tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành”, rồi ra lệnh “bước”, bắt đầu đi kinh hành. Hành giả đi theo thân hành tự nhiên của mình, ý lắng nghe bước đi, còn con mắt không nhìn thẳng vào bước chân mà nhìn về phía trước cách độ 2 hay 3 mét để thư giãn bớt sự tập trung, nhờ thế sẽ thấy thoải mái dễ chịu nhưng ý không rời biết bước chân.
Cứ đi như vậy, ý theo dõi bước chân, mắt nhìn ra xa vài mét. Thỉnh thoảng nhắc luân phiên 2 câu: “tôi đi kinh hành tôi biết ta đi kinh hành”, “tôi đi kinh hành tôi phải tỉnh thức mỗi bước chân tôi đi”. Khi mình nhắc rồi thì phải để cho có thời gian tâm lắng vào trong chánh niệm, trong hành động đi. Trong khoảng thời gian đó, khi tâm lắng vào chánh niệm thì sức tỉnh nó tăng lên. Chừng khi sự lắng tâm đó nó bị vơi đi, tức vì sức tập trung của ý thức chúng ta chưa quen cho nên nó không bám chặt vào hành động đó được, nó lơi lỏng. Nó lơi lỏng thì chúng ta lại dùng câu pháp hướng nữa, lại nhắc nó một lần nữa "tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành", hay “tôi đi kinh hành tôi phải tỉnh thức mỗi bước chân tôi đi”. Nhờ vậy, nó lại tập trung vào hành động đi nữa, nó lại tỉnh thức cao hơn nữa. Chúng ta cứ tiếp tục tác ý như vậy thì sức tỉnh ngày càng cao. Đó là hướng tâm vào việc đang làm.
Trong khi đi, nếu có niệm khởi lên, ta xem đó là niệm ác hay niệm thiện. Nếu là niệm ác, làm khổ mình, khổ người, ta tác ý bỏ đi liền. Niệm tào lao cũng tác ý bỏ đi. Nếu là niệm thiện, ta không diệt mà khéo nhắc để việc đó qua một bên, ta sẽ làm sau, còn bây giờ ta đang tu tập tỉnh thức, cần tập trung vào bước chân.
Đi chừng 5 phút thì xả nghỉ. Nếu ai chưa quen thì giảm xuống 3 phút, 2 phút, 1 phút, tùy sức tỉnh của mỗi người. Muốn biết sức tỉnh của mình ở mức nào thì hành giả kiểm nghiệm, ví dụ đi trong 1 phút mà không bị quên mất hành động đang đi, tức là không bị thất niệm, thì sức tỉnh của mình là 1 phút. Nếu đi trong 1 phút mà bị thất niệm thì giảm thời gian xuống, tu tập nửa phút, tu tập ở mức thời gian nào mà không bị thất niệm nữa thì dừng ở mốc thời gian đó để tu tập cho có chất lượng.
Sau một thời gian tu tập, ví dụ 1 phút, trong 1 phút đó không bị thất niệm, ý luôn tỉnh táo biết bước chân và lần nào tu tập 1 phút cũng đều được như vậy. Nhưng khoan chưa vội tăng lên 2 phút. Vẫn giữ tu tập 1 phút, tập luyện cho đến khi chỉ cần bước vài bước là an trú được, có sự an lạc trong bước đi, trong thân tâm. Sự an trú sẽ từ từ tăng từ thấp lên cao, càng ngày càng mạnh rõ ràng và mau đạt được. Phải hoàn toàn chủ động cho được, muốn nhiếp là nhiếp được. Càng tập luyện càng thấy khỏe. Khi thuần thục như vậy rồi hành giả hãy tăng thời gian lên. Nếu thấy ở mốc thời gian mới tu tập có nhiều niệm khởi, sức tỉnh không cao, hay thất niệm, thì quay về mốc cũ thực hành lại cho thuần thục. Mốc thời gian tăng lên tối đa cho mỗi lần tập là 30 phút.
Mỗi ngày hành giả nên tập đi kinh hành chánh niệm tỉnh giác ít nhất một lần. Nếu rảnh có thể đi nhiều lần. Giữa các lần tu tập nên có sự xả nghỉ hợp lý, chừng 10 phút hay 15 phút, khi nào thấy thân tâm thoải mái, nhẹ nhàng thì ta tu lại. Không tập quá nhiều lần liền nhau để tránh mệt mỏi, ức chế.
Khi tu tập đi kinh hành thuần thục, nhiếp được tâm vào bước chân và tâm an trú ở đó, thì sự tập luyện sẽ phát sinh ra năng lượng cho hành giả. Pháp Phật tập luyện đúng rồi thì năng lượng ngày càng được sung mãn. Trong khi tập luyện thì an vui, an lạc. Khi xả tập luyện ra thì thấy khỏe khoắn thích thú. Lúc đó sẽ tự động làm giảm giờ ngủ, tăng giờ tập luyện lên, hành giả sẽ đạt được kết quả vững vàng, sung mãn, sức tỉnh thức tăng cao. Lưu ý là giai đoạn tu tập này mục đích là tập luyện sự tỉnh thức, sự tinh cần và nghị lực, không phải tu tập cho hết vọng tưởng.
Trước đây sức tỉnh thức thấp, chúng ta tu tập định vô lậu chủ yếu là nhờ vay mượn tri kiến của người khác để quán xét tư duy. Còn khi đã có sức tỉnh thức rồi thì chúng ta không cần vay mượn của ai hết, chỉ cần đặt cái niệm trước mặt, chẳng hạn niệm thân bất tịnh hay niệm thân vô thường vô ngã. Chúng ta đặt niệm đó trước mặt, ngồi im lặng một chút xíu, thì tự ở trong tâm chúng ta, trong đầu chúng ta phóng ra tri kiến giải thoát, từ đó nó quán xét thấy rất rõ tất cả những cái bất tịnh như thế nào, tự nó nó quán xét không vay mượn của ai hết. Nó thông suốt như vậy gọi là tri kiến giải thoát.
Tu tập tỉnh thức bằng cách đi kinh hành có nhiều lợi ích như vậy, hành giả nên dành thời gian thực hành đều đặn hằng ngày. Có thể áp dụng thực hiện cả 2 loại đi kinh hành. Khi nào cần thư giãn thì đi kinh hành thư giãn, rất tốt cho sức khỏe và tâm trí, khi nào cần tu tập tỉnh thức cao thì đi kinh hành chánh niệm tỉnh giác.
► Tỉnh thức trong hành động sống hằng ngày
Tương tự như tập tỉnh thức trên bước đi, hành giả tập tỉnh thức trong những hành động sống hằng ngày cũng nương theo thân hành tự nhiên và tùy theo sức tỉnh của mình mà tu tập, dùng pháp hướng tâm nhắc cho tâm luôn nhớ được hành động việc làm của mình.
Ví dụ sức tỉnh của mình là 1 phút và tập tỉnh thức trong hành động quét nhà, thì bắt đầu tu tập hướng tâm nhắc “quét nhà, tôi biết tôi đang quét nhà”, hoặc nhắc ngắn gọn hơn “tôi đang quét nhà” rồi chú ý vào hành động đang quét. Trong thời gian 1 phút, nếu thấy sự chú ý vào hành động vơi đi, lơi lỏng, hay có khởi niệm nghĩ linh tinh, thì ta dùng câu pháp hướng nhắc “quét nhà, tôi biết tôi đang quét nhà”, nhờ vậy, ý lại tập trung vào hành động quét nhà, sức tỉnh thức tăng lên. Hết 1 phút ta ngừng, xả nghỉ, phải tu đúng với sức của mình. Nếu muốn tu tiếp thì một lúc sau, chừng 10 phút, 15 phút ta tu lại.
Biết rõ sức tỉnh của mình để tu đúng thời lượng và xả nghỉ đúng cách sẽ mang lại sức tỉnh rất cao, tu ít mà đạt chất lượng cao. Còn nếu tu sai, sức tỉnh 1 phút mà tu 2 phút, rồi không có thời gian xả nghỉ mà cứ tu liên tục, hay tu nhiều lần quá thì ta bị lờ mờ, lúc nhớ lúc quên hành động đang làm, hay đang làm mà mải nghĩ chuyện khác. Tu như vậy không có kết quả, chỉ làm ta mất thời gian.
Tập 1 phút đạt chất lượng tỉnh thức cao rồi chúng ta tăng dần thời gian lên. Tăng dần đến khi chúng ta tu riết, tỉnh thức tất cả thời gian trong mọi hành động. Suốt ngày tỉnh thức.
Đến đây, chúng ta kết thúc phần trọng tâm của pháp tu định chánh niệm tỉnh giác. Sau đây là một vài kiểu đi kinh hành để các bạn tham khảo thêm.
► Các kiểu đi kinh hành khác
- Đi kinh hành trau dồi lòng từ:
Khi đi nhìn dưới đất và tránh không giẫm đạp chúng sinh, tác ý “dưới chân ta bước đi có nhiều côn trùng nhỏ nhít, ta hãy thương yêu chúng nên phải ý tứ từng bước đi, tránh không làm đau khổ và chết chóc chúng sinh”.
- Đi kinh hành tác ý đếm số trước mỗi bước đi:
Cách thực hành giống đi kinh hành tu tập chánh niệm tỉnh giác, nhưng bây giờ hành giả tác ý đếm số trước từng bước đi, và cứ 20 bước thì đứng lại tác ý một lần “đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành”. Cách đi kinh hành này phải tác ý nhiều và liên tục trước mỗi bước đi, nên cần có sức tỉnh thức, sức nhiếp tâm cao hơn nhiều so với việc đi không đếm bước. Vì vậy khi chưa xả tâm tốt, sức tỉnh chưa cao thì hành giả chưa nên tu tập cách này để tránh ức chế tâm.
Cách thực hành như sau:
Trước khi đi, hành giả tác ý "đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành". Đếm "một" rồi chân trái bước, đếm "hai" rồi chân phải bước, đếm "ba" rồi chân trái bước, đếm "bốn" rồi chân phải bước... cứ như vậy cho đến 20 bước thì đứng lại, tác ý "đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành", rồi tiếp tục lặp lại đếm và bước 20 bước. Tùy sức tỉnh của mình mà tu tập, ví dụ sức tỉnh là 5 phút, thì tập đúng 5 phút là ngừng, xả nghỉ.
- Đi kinh hành phá hôn trầm thùy miên:
Tương tự cách đi kinh hành tác ý đếm số trước mỗi bước đi nhưng bây giờ hành giả tác ý mạnh hơn và bước đi mạnh hơn để phá cơn buồn ngủ.
Trước khi đi ta vận động cơ thể làm cho người tỉnh táo, nhắc “tâm phải tỉnh thức, thân phải tỉnh táo, không được buồn ngủ nữa” rồi chạy một chỗ, hay chạy đường dài, hay nhảy lên nhảy xuống. Sau đó bắt đầu đi kinh hành, trước khi đi tác ý mạnh “thân tâm phải tỉnh thức trong bước đi rõ ràng”. Rồi tác ý mạnh và liên tục “chân trái bước”, “chân phải bước”, cứ ra lệnh xong thì bước chân trái, chân phải tương ứng. Khi đi dậm chân mạnh, hoặc nhấc chân thật cao cho đầu gối ngang bụng rồi mới hạ xuống. Thực hiện như vậy trong khoảng thời gian 1 phút hay vài phút, khi thấy tỉnh rồi thì chuyển sang đi kinh hành thư giãn, đi như người vô sự, không cần chú ý vào bước chân nữa. Khéo léo đi kinh hành như vậy sẽ hết buồn ngủ, vượt qua giờ đòi ngủ thì sẽ rất tỉnh táo.
- Đi kinh hành kết hợp định niệm hơi thở:
Cách thực hành giống hệt đi kinh hành tác ý đếm số trước mỗi bước đi, chỉ thêm vào là khi đứng lại sau 20 bước đi, hành giả tác ý "hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra", tác ý xong liền hít vô, thở ra 5 hơi thở bình thường. Khi hít thở 5 hơi thở xong liền tác ý "đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành" rồi đi tiếp.
Tập theo cách trên quen rồi, hành giả có thể tập theo cách nâng cao hơn một chút, đó là vẫn tập y như trên, nhưng khi đứng lại hít thở 5 hơi thở, ta không đứng nữa mà ngồi xuống, ngồi bán già hoặc kiết già lưng thẳng để hít thở.
Hành giả phải tu tập định niệm hơi thở thuần thục rồi mới áp dụng cách đi kinh hành này.
- Đi kinh hành thân hành niệm:
Đây là cách đi kinh hành để tập thân hành niệm, có công năng tỉnh thức rất cao, áp dụng cho giai đoạn 2, đòi hỏi tâm phải ly dục, ly ác pháp tròn đủ rồi mới được thực hành. Khi nào bước sang giai đoạn 2, hành giả xem video Trưởng Lão hướng dẫn để tu tập. Cách thực hành giống đi kinh hành kết hợp ngồi xuống thở 5 hơi, nhưng truyền lệnh tác ý từng chi tiết nhỏ hơn rất nhiều. Ví dụ, ở trên ta chỉ tác ý “một” rồi chân trái bước một bước; còn bây giờ ta tác ý “chân trái bước”, rồi tác ý “dở gót lên” ta mới dở gót chân trái lên, tác ý “dở chân lên” ta mới nhấc cả chân trái lên khỏi mặt đất, tác ý “đưa chân tới” ta mới đưa chân trái về phía trước, tác ý “hạ chân xuống” ta mới đặt mũi bàn chân trái xuống đất, tác ý “hạ gót xuống” ta mới đặt gót chân trái xuống. Cách truyền lệnh tác ý rất chi tiết và từng bước đi sẽ rất chậm so với các cách đi kinh hành trên. Khi nào xả tâm sạch, sang giai đoạn 2 chúng ta mới quan tâm thực hiện.
Đến đây, chúng ta đã tìm hiểu xong pháp môn định chánh niệm tỉnh giác. Trước khi khép lại phần trọng tâm của giai đoạn 1, chúng ta tìm hiểu thêm phương pháp đuổi bệnh mà Trưởng Lão thường hướng dẫn cho mọi người. Phương pháp này có lợi ích rất lớn và không khó tu tập. Các bạn nên tìm hiểu và thực hành tu tập.