MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO

ĐỊNH VÔ LẬU - TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT

Thứ sáu - 25/03/2022 10:32
[Tu hành đúng chánh Phật pháp] - Định vô lậu là phương pháp triển khai sự hiểu biết thông qua quá trình tư duy, suy nghĩ, quán xét để làm cho hiểu một cách đúng đắn, làm cho thấm nhuần. Nhờ sự hiểu biết đó, khi ác pháp tác động đến là ta hiểu ngay liền và xả được tâm, tâm được an ổn, không còn phiền não, tham muốn, giận hờn, si mê, đau khổ.

3) Định vô lậu, triển khai tri kiến giải thoát

 
Định vô lậu là phương pháp triển khai sự hiểu biết thông qua quá trình tư duy, suy nghĩ, quán xét để làm cho hiểu một cách đúng đắn, làm cho thấm nhuần. Nhờ sự hiểu biết đó, khi ác pháp tác động đến là ta hiểu ngay liền và xả được tâm, tâm được an ổn, không còn phiền não, tham muốn, giận hờn, si mê, đau khổ. Tức là tâm được vô lậu. Nên phương pháp triển khai sự hiểu biết này gọi là pháp tu định vô lậu.
 
Chúng ta thấy được lợi ích rất lớn của pháp định vô lậu khi đánh thẳng vào sự vô minh để giải trừ khổ đau. Các thiện pháp, giới luật đức hạnh giúp chúng ta biết sống như thế nào cho đúng, sống không tạo ra đau khổ. Còn định vô lậu giúp chúng ta có cái hiểu đúng về bản chất chân thật của vạn pháp, nhờ vậy sự lầm chấp, tham đắm không còn, nghĩa là ngay đó ta hết khổ.
 
Sự tu tập theo chánh pháp thật ra chỉ có vậy. Học cách sống trong thiện pháp và triển khai trí tuệ để thấy biết các pháp một cách chân thật. Nhắm đúng trọng tâm này, hành giả không phải tu quá nhiều mà vẫn đạt được sự giải thoát thiết thực ngay trong đời sống hiện tại.
                                                   

► Cách thực hành định vô lậu

 
Hành giả ngồi yên lặng một chỗ (ngồi kiết già, ngồi bán già lưng thẳng, ngồi xếp bằng, ngồi dựa lưng, hay ngồi trên ghế thường), tỉnh táo đặt niệm trước mặt rồi suy nghĩ, tư duy, quán xét về niệm đó. Các đề tài để đặt niệm là nhân quả, vô thường, lý duyên hợp, khổ… Hành giả chọn một đề tài rồi tự mình triển khai cái hiểu biết của mình ra, dựa trên kinh nghiệm của bản thân và những tri kiến học được, quán đi quán lại, quán rất nhiều lần làm cho thấm nhuần cái đề tài đó.
 
Ban đêm hành giả chọn giờ yên tịnh để tu tập, hoặc trong ngày có nhiều thời gian thì có thể thực hành nhiều lần. Mỗi lần tư duy quán xét là một lần hành giả hiểu rõ hơn. Càng chịu khó quán xét thì tri kiến càng vững chắc, sự xả tâm càng tốt. Hôm nay tu thì ngày mai đã thấy tâm mình thay đổi, bớt dính mắc, bớt buồn khổ. Tiếp tục kiên trì tu tập ngày qua ngày, một lúc nào đó tri kiến giải thoát phóng ra, hành giả sẽ có một trí tuệ siêu việt giúp quét sạch các lậu hoặc trong tâm, khi có đối tượng (dục, ác pháp) xảy đến thì tâm an ổn, giải thoát ngay liền, không còn tham, sân, si trong đối tượng đó nữa.
 
Thời gian đầu tu tập, hành giả nên thường xuyên đọc kinh sách, nghe Trưởng Lão giảng để có sự hiểu biết, mượn tri kiến của Thầy để tư duy, quán xét. Sau thời gian tu tập, tri kiến giải thoát xuất hiện, hành giả tự có tri kiến của riêng mình để đối trị dục và ác pháp.
 
Trong quá trình tu tập, quan sát thực tế là một yếu tố cần thiết để hành giả có cơ sở đặt niệm quán xét. Khi xưa Phật dạy quán thân bất tịnh bằng cách vào nghĩa địa, vào rừng quan sát thi thể người chết đang phân hủy, sau đó mới về đặt niệm thân bất tịnh để quán xét. Vì vậy, hành giả đang quán xét thực phẩm bất tịnh thì nên quan sát sự bất tịnh của thực phẩm để từ ngày này qua ngày khác. Đang quán xét về khổ thì nên quan sát thật kỹ những cái khổ mình đang gặp phải, hay quan sát cảnh khổ của người đang bệnh, người già yếu, người nghèo khổ thiếu thốn…
 
Trong các đề tài định vô lậu, có 2 đề tài nếu thường được triển khai tri kiến hằng ngày sẽ giúp hành giả buông xả dục và ác pháp nhiều nhất, nhanh chóng có được sự an ổn, đó là đề tài nhân quả và đề tài vô thường.
 

► Quán xét về nhân quả

 
Nhân quả là một đạo luật chi phối sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ, trong đó có con người, nên chúng ta phải hiểu về nó. “Nhân” là hành động, “quả” là kết quả của hành động. Hành động như thế nào sẽ tạo ra nghiệp tương ứng và dẫn đến kết quả như thế nấy. Hành ác thì tạo ra nghiệp ác, đưa đến kết quả khổ đau, phiền não; hành thiện thì tạo ra nghiệp thiện, đưa đến kết quả hạnh phúc, an vui. Một điều rất quan trọng mọi người cần biết là nhân quả không cố định, nó có thể thay đổi. Vì nhân quả thay đổi được nên Phật dạy con người dùng thiện chuyển hóa ác để hết khổ. Thông hiểu về nhân quả là chúng ta có sự hiểu biết để thoát khổ.
 
Nhân quả có nhiều khía cạnh để tìm hiểu và triển khai tri kiến, hành giả nên đi từng bước, từ nhân quả thảo mộc, nhân quả thời tiết, đến nhân quả con người, động vật. Triển khai quán xét để thấy được đường đi của nhân quả, nhân quả con người qua thân hành, khẩu hành, ý hành, qua các góc độ thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ đó, hành giả có đủ hiểu biết để thực hiện áp dụng các thiện pháp 4 vô lượng tâm, 5 giới, 10 điều lành vào cuộc sống.
 
Muốn có tri kiến về nhân quả và biết cách triển khai tư duy quán xét một cách đầy đủ, chi tiết, mời các bạn qua Phần 2 nghe các bài giảng của Trưởng Lão về chánh kiến và nhân quả. Dưới đây là vài gợi ý sơ lược để các bạn tham khảo.
 
- Nhân quả thảo mộc:
 
Triển khai tri kiến từ nhân quả của loài cỏ cây giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, bởi nhân quả con người có những diễn biến trừu tượng mà ý thức khó lòng hiểu được, nếu cố hiểu bằng cách tưởng tượng thì đi đến sai lạc.
 
Đặt niệm nhân quả thảo mộc, hành giả tư duy quán xét có phải ta trồng hạt gì sẽ cho ra quả đó? Trồng nhãn thì được quả ngọt. Trồng ớt thì được quả cay. Từ đó rút ra mối tương quan giữa hành động và kết quả của hành động:
 
Hành ác sẽ đưa đến quả ác. Nếu hiện tại ta đang gặp quả ác thì đó là do trước đây ta từng gieo hành ác.
 
Hành thiện sẽ đưa đến quả thiện. Nếu hiện tại ta đang gặp quả thiện thì đó là do trước đây ta từng gieo hành thiện.
 
Hành giả nên quán đi quán lại điều này cho thật hiểu, thật thấm nhuần.
 
- Thân nhân quả:
 
Hành giả đặt niệm thân nhân quả để tư duy quán xét, cái thân này từ đâu sinh ra, bị nhân quả chi phối như thế nào, chết đi về đâu?
 
Thân người từ nhân quả sinh ra, do nghiệp lực thiện ác vận hành theo quy luật nhân quả thu hút 5 uẩn tạo thành. Tùy theo nghiệp lực thiện ác đó như thế nào mà sinh ra con người như thế nấy. Hình dáng xấu hay đẹp, thông minh hay kém trí tuệ, nhiều bệnh hay ít bệnh, sinh ra trong gia đình giàu có hay nghèo khổ, có nhiều quyền lực hay ít quyền lực, sống thọ hay yểu tử… Hành giả quán xét xem do huân tập những nghiệp thiện gì, nghiệp ác gì, mà tạo nên những sự khác biệt như vậy?
 
Đó là khi các duyên hợp lại thì tạo thành thân người, còn khi duyên tan, cái chết xảy đến, thân 5 uẩn tan rã hoàn toàn. Thứ còn lại duy nhất là khối nghiệp lực thiện ác, nó tiếp tục tương ưng với sự thiện ác trong môi trường sống để tạo thành một cái thân mới. Vậy cái thân này là thân nhân quả chứ đâu phải của ta, nó do các duyên hợp lại mà thành để trả nhân quả thiện ác, khi hết duyên là nó tan hoại.
 
Hành giả tư duy để phá chấp thân này là của ta. Nếu đúng thân là của ta thì ta phải sai bảo nó được chứ? Nhưng khi thân đau, ta bảo nó đừng đau mà nó có nghe không? Khi giận hờn, ta bảo đừng giận hờn, nó có nghe không? Khi nó già, bệnh, chết, ta bảo đừng già, đừng bệnh, đừng chết nó có nghe không? Từ khi sinh ra ta không bảo mà cái thân nó tự thở, tế bào tự hoạt động, các cơ quan tự vận hành theo chức năng của nó.
 
Vậy rõ ràng cái thân này không phải của ta, mà là của nhân quả tạo thành, hoạt động theo sự chi phối của nhân quả. Nó xấu hay đẹp, giàu hay nghèo, sướng hay khổ đều do nghiệp thiện ác vận hành theo luật nhân quả tạo nên. Vì vậy, Đức Phật mới dạy con người đừng tạo nhân quả ác, mà hãy tạo nhân quả thiện thì sẽ được hạnh phúc, an vui. Biết thân không phải của ta nhưng ta mượn nó để có cái biết, có ý thức phân biệt được thiện, ác. Từ đó ta dùng pháp Phật tu tập ngăn diệt những điều ác, tăng trưởng những điều thiện, dần dần hóa giải hết nghiệp ác, còn lại nghiệp toàn thiện. Mượn cái thân như vậy là mượn đúng mục đích, giúp đời ta giải thoát hết khổ đau.
 
- Nhân quả con người qua thân hành, khẩu hành, ý hành:
 
Từ quán xét thân nhân quả, ta biết thân này do huân tập nghiệp thiện, ác mà tạo thành theo quy luật nhân quả. Nhưng khối nghiệp đó không cố định, bởi khi sinh ra chúng ta sống và tiếp tục tạo ra các hành động thiện, ác vun bồi cho khối nghiệp đó. Hành động thiện, ác được tạo ra từ 3 nơi là thân, khẩu, ý.
 
Vì vậy, hành giả đặt niệm nhân quả con người qua thân hành, khẩu hành, ý hành để quán xét, xem hành động nào là thiện, hành động nào là ác, những hành động đó dẫn tới kết quả gì?
 
Phật dạy thân con người có 3 hành động thiện, ngược lại là 3 hành động ác, đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Khẩu có 4 hành động thiện, ngược lại là 4 hành động ác, đó là không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lật lọng, không nói hung ác. Ý có 3 hành động thiện, ngược lại là 3 hành động ác, đó là không tham lam, không sân hận, không si mê. Tổng cộng thân, miệng, ý của con người có 10 hành động thiện gốc và 10 hành động ác gốc, từ 10 cái gốc này sinh ra vô số những điều thiện hay ác khác.
 
Hành giả tư duy quán xét từng điều thiện, từng điều ác gốc theo những tri kiến đã học được để hiểu thấu suốt và thấm nhuần. Sau đó áp dụng vào đời sống thực tế, xem những việc mình đang làm, sẽ làm, nó nằm trong 10 điều lành hay 10 điều ác. Nếu nằm trong 10 điều ác thì ngăn và diệt. Nếu nằm trong 10 điều lành thì cho nó sinh khởi và tăng trưởng.
 
Hiểu biết về nhân quả sẽ giúp chúng ta thoát khổ ngay liền. Sở dĩ khi gặp chuyện chúng ta buồn tủi, bực mình, khổ sở vì cho rằng khổ này do người khác gây ra cho mình, hay nghĩ đây là chuyện bất công trên trời rơi xuống. Suy nghĩ đó làm đầu óc chúng ta vướng mắc hoài trong những tà niệm sân hận, phiền não, không thể thoát ra. Nhưng khi có sự hiểu biết về nhân quả, hiểu được mối tương quan giữa hành động và kết quả của hành động, thì khi chuyện xảy đến ta hiểu ngay rằng đây là quả của hành động ác ta từng gieo trước đây. Rõ ràng là như vậy, không gieo nhân thì không thể có quả. Thôi ta đã làm thì nay vui vẻ nhận quả, đây là sự công bằng, đúng với lý tự nhiên. Đó, chúng ta chỉ cần nghĩ như vậy và hướng tâm tác ý “đây là nhân quả, tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự” là tâm được an ổn ngay liền. Sự hiểu biết về nhân quả đã giúp chúng ta thoát ra khỏi các tà niệm, bình an chấp nhận sự việc và không đổ sự tức giận lên người khác.
 
- Nhân quả cuộc đời mình và người thân:
 
Bởi vì sinh ra đời là ta sống chung đụng với nhiều người xung quanh, nên quán xét về cuộc đời mình và người thân giúp làm thấu rõ đường đi của nhân quả.
 
Hành giả đặt niệm cuộc đời mình và cuộc đời người thân xung quanh để quán xét. Suy tư cuộc sống của mình khi sống với cha mẹ, anh chị em, bà con ruột thịt, rồi khi có vợ chồng, con cái, xét qua nhân quả khổ vui, giận hờn, thương ghét, phơi bày ra tất cả để thấy sự vui sự khổ, mồ hôi nước mắt trong cuộc sống của mình do nghiệp nhân quả tạo nên.
 
Trên đây là sơ lược các bước triển khai tri kiến về đề tài nhân quả. Một người càng hiểu biết nhân quả sâu sắc bao nhiêu thì sự giải thoát càng rõ nét bấy nhiêu. Vì vậy, hành giả nên thường xuyên quán xét nhân quả hằng ngày, làm cho sự hiểu biết nhân quả trở nên thông suốt, thấm nhuần, rồi mang sự hiểu biết đó áp dụng vào thực hiện sống đúng 5 giới, 10 điều lành. Cuộc sống của hành giả sẽ được an vui, hạnh phúc nhờ lòng tin vào nhân quả, luôn luôn sống trong nhân quả thiện. Lỡ khi có ác pháp tác động, hay gặp bất cứ chuyện gì trái ý nghịch lòng xảy đến, hành giả chỉ cần tác ý “đây là nhân quả, tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự” là tâm được an ổn ngay liền. Đó là lợi ích giải thoát rất lớn, thiết thực ngay trong hiện tại của pháp Phật mà những người chịu tìm hiểu và thực hành sẽ được hưởng.
 

► Quán xét về vô thường

         
Vô thường có nghĩa là không thường hằng, luôn biến đổi theo thời gian, không ở yên một trạng thái mãi mãi. Vạn pháp trong vũ trụ này đều vô thường, vì mọi thứ đều do 12 nhân duyên hợp lại mà thành theo quy luật nhân quả. Khi 12 nhân duyên tan rã thì mọi thứ trở về không, chúng ta có muốn chúng thường hằng, không biến dịch cũng không thể được.
 
Con người khổ vì không hiểu biết các pháp vô thường. Mọi người đều tin rằng thân tâm, danh tiếng, tài sản vật chất, các pháp thế gian là có thật và thường hằng. Nên khi sự vô thường, sự biến đổi xảy đến thì ưu bi, sầu khổ, buồn tủi. Ngược lại, một người thấu hiểu các pháp vô thường sẽ không còn chấp ngã, không còn dính mắc, tham đắm bất cứ một vật gì, nên người đó được giải thoát hoàn toàn.
 
Nhiều khi chúng ta nghe giảng về vô thường và cảm thấy mình hiểu biết về nó, nhưng khi xả bỏ một vật gì thì thấy tiếc, hay khi vô thường xảy đến thì buồn khổ. Đó là vì chúng ta chỉ hiểu trên bề mặt chứ chưa chứng được lý vô thường. Hiểu biết trên bề mặt là hiểu biết hời hợt, chỉ nhận ra một vài phần của sự vật, hiện tượng là vô thường, phần còn lại hầu hết vẫn thấy nó là thường hằng, nên vẫn dính mắc, chấp ngã.
 
Vì vậy, chúng ta cần triển khai tư duy quán xét cho đến khi nào thấy những thứ thường hằng trở thành vô thường, quán đi quán lại cho thật thấm nhuần. Khi chứng được lý vô thường, hành giả không còn tham đắm, chấp trước bất kỳ một pháp gì trong thế gian. Mọi tham muốn, ưu tư, sợ hãi, cảm thọ đều được buông xả sạch và tâm trở nên bất động. Tức là hành giả đã ly được dục và ác pháp, hoàn thành mục tiêu tu tập giai đoạn một mà không cần phải tu tập thêm gì nữa.
 
Quán xét về vô thường có thể chia thành 2 đề tài nhỏ hơn, là quán thân vô thường và quán các pháp vô thường. Các bạn nên tham khảo những bài giảng của Trưởng Lão ở Phần 2 về vô thường, 12 nhân duyên để có thêm những tri kiến cần thiết cho quá trình tư duy quán xét. Dưới đây là một vài tri kiến để các bạn tham khảo.
 
- Thân vô thường:
 
Hành giả đặt niệm thân vô thường trước mặt để quán xét. Thân này do nghiệp lực thiện ác thu hút 5 uẩn hợp lại mà thành theo quy luật nhân quả. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi ta chết 5 uẩn tan rã hoàn toàn, không còn lại một chút xíu gì, khi đó khối nghiệp lực thiện ác ta đã huân tập tiếp tục tương ưng với sự thiện ác trong môi trường sống để tạo thành một cái thân mới. Như vậy thân này không thường hằng và không phải của ta, nó chỉ do các duyên hợp lại mà thành để trả nhân quả thiện ác, khi hết duyên là nó tan hoại.
 
Hành giả tư duy về sự biến đổi của cái thân này theo thời gian, khi ta mới sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi. Thân này có giữ mãi một hình dạng không hay thay đổi như thế nào? Thân này có trẻ mãi không hay lão hóa dần theo thời gian? Thân này có khỏe mạnh mãi không hay lúc khỏe lúc lại ốm yếu, mệt mỏi, lúc thì đau nhức chỗ nọ chỗ kia, lúc lại bệnh tật, ngứa ngáy, nóng lạnh. Thân này có tồn tại mãi không hay sẽ đi đến hoại diệt? Từ xưa đến nay có những người, những tôn giáo luyện thuốc trường sinh bất tử, mong muốn sống lâu không chết, nhưng có ai làm được không? Có phải đấy chỉ là ảo tưởng? Bản thân ta cũng như tất cả mọi người, có ai thoát khỏi những sự biến đổi này không?
 
Các kiến thức về khoa học, y học cũng chỉ rõ sự vô thường. Hầu hết các tế bào trên cơ thể người được thay thế mỗi ngày, một số ít tế bào có chu kỳ thay thế lâu hơn, nhiều ngày hoặc nhiều tháng. Điều đó có nghĩa là sau vài tháng hay vài năm, gần như chúng ta có một cơ thể mới hoàn toàn. Chỉ có một số ít tế bào ở mắt và tế bào thần kinh ở não là tồn tại suốt cuộc đời. Nhưng khi ta chết chúng cũng tan hoại.
 
- Các pháp vô thường:
 
Hành giả đặt niệm các pháp vô thường để quán xét. Từ trời, đất, con người, động vật, cỏ cây, thời tiết, vạn vật, có thứ gì thường hằng? Có phải chúng luôn thay hình đổi dạng, biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, theo trình tự thành, trụ, hoại, không (hay sinh, trụ, dị, diệt).
 
Ví dụ một cơn sóng, khi mặt nước nhô lên thì sóng được hình thành, sinh ra. Khi nhô lên cao nhất là trụ. Khi hạ xuống là hoại, hay dị. Khi sóng tan là nó trở về không, hay diệt. Sự vô thường thể hiện rất rõ qua hình ảnh sóng trên mặt nước, cứ hình thành rồi biến mất không ngừng.
 
Phật dạy tất cả mọi người khổ là do không biết các pháp vô thường, nên ưu bi, sầu khổ, buồn tủi. Vậy nay chúng ta đã được biết giáo lý này thì còn chần chừ gì nữa mà không kiên trì triển khai tri kiến để thấu hiểu, thấm nhuần được lý vô thường. Có thấu hiểu trên thế gian này không có một vật gì thường hằng thì chúng ta mới buông xả, không còn dính mắc dù bất kỳ một vật gì, nên chúng ta được giải thoát hoàn toàn. Trưởng Lão có một bài kệ rất hay nói về vô thường:
 
“Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi, có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa?
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”
 
Chỉ với 2 đề tài trọng tâm là nhân quả và vô thường, nếu được triển khai tu tập thường xuyên hằng ngày sẽ mang lại sự giải thoát rất lớn cho hành giả. Ngoài ra, mọi người có thể triển khai thêm các đề tài sau đây nếu thấy cần thiết: đề tài về khổ, vô ngã, lý duyên hợp (12 nhân duyên), bất tịnh, của cải tài sản làm vất vả chết có mang theo được không, vợ chồng con cái có phải vay nợ nhân quả không, danh, sắc dục, ngủ, ăn, thân người phụ nữ, 5 triền cái, 7 kiết sử, 4 bất hoại tịnh, 5 giới, 10 điều lành, 4 vô lượng tâm…
 

► Thường quán xét về khổ

 
Một người không thật sự thấu hiểu đời người là khổ, mà chỉ hiểu biết hời hợt, lúc hiểu lúc không, thì khó lòng tu tập theo đạo Phật. Sự hiểu biết về khổ không đủ sâu sắc làm cho họ không có động lực để tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo pháp Phật, và cũng không có đủ lòng kiên trì để thực hành tu tập ngăn ác, diệt ác. Dục lạc thế gian sẽ cuốn trôi họ.
 
Vì vậy, những ai muốn tìm cách thoát khổ thì trước tiên phải có ý thức về khổ, tư duy quán xét cho thấu rõ khổ là gì, nguyên nhân nào đưa đến khổ, để có động lực thúc đẩy mình thực hiện con đường thoát khổ. Phải quán xét cho đến khi ngay cả các dục lạc, các cảm thọ lạc cũng thấy là khổ, là nguy hiểm thì con đường giải thoát sớm muộn cũng đến đích thành công. Mỗi ngày hành giả nên tự nhắc bản thân về sự khổ để không quên mục đích chính của đời người. Đức Phật dạy:
 
“Khi ta trú vào lạc, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu.
 
Khi ta tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng.”
 
Quán xét về khổ là quán xét về 4 chân lý Phật dạy: khổ, tập, diệt, đạo. Vì vậy, các bạn nên chuyển qua Phần 2 nghe các bài giảng của Trưởng Lão về 4 diệu đế, 12 nhân duyên, vô thường, để có thêm tri kiến giúp cho sự triển khai tư duy, quán xét. Sau đây là một vài gợi ý sơ lược để các bạn tham khảo.
 
Hành giả đặt niệm khổ, siêng năng quán xét tư duy đời sống là khổ, lòng ham muốn là khổ, nhân quả là khổ, ái dục là khổ, sân hận là khổ, nhớ thương là khổ; thân, thọ, tâm, pháp vô thường bất tịnh là khổ; thực phẩm bất tịnh thường ăn vào sinh ra bệnh tật là khổ, ái dục bất tịnh sinh ra dục lạc khiến tâm mê mờ tạo nhiều ác nghiệp là khổ, sinh già bệnh chết là khổ... Quán tưởng nhàm chán cuộc sống thế gian là khổ, vì vui đó rồi lại khổ đó, khổ đó rồi lại vui. Cuộc sống của con người giống như một vở tuồng trên sân khấu, không có gì bảo đảm.
 
Từng đề tài nhỏ ở trên hành giả hãy đặt niệm tư duy quán xét thật kỹ để thấy rõ sự khổ. Ví dụ quán xét thọ là khổ. Thường thì thọ khổ như đau nhức, mệt mỏi, nóng lạnh, ai cũng thấy nó là khổ. Nhưng còn thọ lạc, tức là những cảm giác thích thú, khoái lạc, thì ai cũng thích và bị dính mắc, không thấy nó là khổ. Để thấy thọ lạc là khổ và không dính mắc nó thì phải tư duy quán xét thật kỹ sự vô thường của các cảm thọ, sự nguy hiểm khi chạy theo thọ lạc gây ra những hậu quả gì, rồi so sánh sự thụ hưởng thọ lạc so với hỷ do ly dục sinh, cái nào vui ít khổ nhiều, cái nào là cái vui chân thật, lâu bền?
 
Một người thường chạy theo dục lạc, thỏa mãn dục lạc thì dẫn đến điều gì? Có phải sẽ làm các bất thiện pháp tham, sân, si tăng trưởng? Và làm thiện pháp giảm thiểu.
 
Một người không chạy theo dục lạc, siêng năng quán xét về khổ, dùng sự thấu hiểu về khổ làm động lực để tu tập vươn lên thoát khổ thì dẫn đến điều gì? Có phải sẽ làm các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng.
 

► Quán xét về vô ngã

 
Đặt niệm vô ngã quán xét. Bởi vì thế giới này vận hành theo quy luật nhân quả, các duyên lúc hợp lúc tan, nên nó là vô thường, không có cái ngã thường hằng bất biến. Biết thế gian này là vô thường, khổ, vô ngã nên ta xả lòng ham muốn của mình, không còn dính mắc một vật gì.
 

► Quán xét về lý duyên hợp

 
Lý duyên hợp: Tất cả mọi thứ đều do các duyên hợp lại mà thành, nghĩa là được cấu thành từ những thứ nhỏ hơn. Khi hết duyên chúng tách nhau ra thì không còn một vật gì thường hằng bất biến. Có hợp phải có tan. Phật dạy 12 nhân duyên hợp lại thành thế giới đau khổ. 12 nhân duyên tan hoại thì thế giới đau khổ chấm dứt.
 
Vì vậy chúng ta cần thông suốt 12 nhân duyên (12 cửa vào đạo) và biết cách xông vào phá tan trận đồ 12 nhân duyên này. Chỉ cần phá được 1 duyên là 12 duyên không hợp nhau lại được, thế giới khổ đau chấm dứt, ta được giải thoát. Ví dụ chúng ta xông vào phá cửa Vô Minh, đồng nghĩa mở ra cửa Minh, bằng cách triển khai tri kiến giải thoát về lý nhân quả, lý các pháp vô thường, và sống đúng giới luật đức hạnh. Để hiểu rõ về 12 nhân duyên, các bạn nên chuyển qua Phần 2 nghiên cứu các bài giảng của Trưởng Lão. Sau đây là sơ lược về 12 nhân duyên.
 
- Vô Minh: là thấy biết các pháp không đúng như thật. Ví dụ, cho rằng cái thân là của mình, là cái ngã thường hằng; cho rằng cái tâm là linh hồn, là Phật tánh.
 
- Hành: vì thấy biết các pháp không đúng như thật nên hành động theo sự lầm chấp, tham đắm, không phân biệt được hành thiện, hành ác.
 
- Nghiệp: từ hành sinh ra nghiệp, hành ác sinh ra nghiệp ác, hành thiện sinh ra nghiệp thiện.
 
- Danh Sắc: từ nghiệp thiện, ác sinh ra danh sắc theo quy luật nhân quả. Danh sắc là thân người (người chưa tu chứng đạo). Danh là tưởng uẩn. Sắc là sắc uẩn, là cái thân người có 6 căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý.
 
- Lục Nhập: là 6 trần ở môi trường sống, gồm có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
 
- Xúc: 6 trần bên ngoài thâm nhập vào thân người qua 6 căn nên có sự va chạm, tiếp xúc.
 
- Thọ: do tiếp xúc sinh ra cảm giác dễ chịu (lạc), hay khó chịu (khổ), hay trung tính (không lạc không khổ).
 
- Ái: những cảm giác dễ chịu làm ta ái, tức là ưa thích, thèm khát, ham muốn.
 
- Hữu: vì ưa thích nên ta muốn có được nó. Hữu nghĩa là có.
 
- Thủ: khi có được những thứ mình thích thì mình cố giữ lại. Thủ nghĩa là giữ.
 
- Sinh: khi giữ lại, tích lũy ngày càng nhiều tạo thành sinh y. Sinh nghĩa là sống, đời sống. Y nghĩa là nương tựa vào. Sinh y nghĩa là tất cả những thứ ta nương tựa vào để sống, đó là của cải, tài sản, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, họ hàng, làng xóm, bạn bè…
 
- Ưu Bi, Sầu Khổ, Già, Bệnh, Chết: do muốn tích lũy của cải, tài sản, các mối quan hệ, nên con người phải vất vả, khi những thứ này mất mát, hao mòn thì ưu bi, sầu khổ, già, bệnh, chết.
 

► Quán xét về bất tịnh

 
Bất tịnh có 2 đề tài, đó là thân bất tịnh và thực phẩm bất tịnh.
 
Đặt niệm thân bất tịnh để quán xét. Vì mình thường chấp cái thân của mình, cho nên phải đặt cái niệm thân bất tịnh để thấy nó thật sự là bất tịnh. Vì vậy mà mình ngao ngán, không còn dính vào cái thân này, không còn chấp cái thân này nữa.
 
Đặt niệm thực phẩm bất tịnh để quán xét. Vì có nhiều thực phẩm cho vào miệng ăn mình thấy nó ngon (thọ lạc), nên sinh ra tham ăn tham uống. Muốn hết tham ăn thì phải quán thực phẩm bất tịnh. Ta quán đồ ăn khi cho vào miệng nhai một lúc thì nó thành thứ gì, khi nuốt vào nó thành thứ gì? Thử nhè ra hay nhìn người khác nôn ói ra là biết liền. Rồi cái thực phẩm đó ta để một vài ngày, xem nó còn thơm ngon, đẹp đẽ nữa không, hay nó ôi thiu, chảy nhớt, nấm mốc vô cùng bất tịnh? Nhìn thật kỹ, quán thật sâu để thấy sự bất tịnh của thực phẩm.
 

► Quán xét về của cải tài sản

 
Đặt niệm của cải tài sản của mình trước mặt để quán xét xem của cải tài sản của mình nó làm mình khổ như thế nào. Quán xét để thấy ta đã phải quá vất vả, cực khổ như thế nào để làm ra nó? Mà khi có rồi thì phải lo lắng bảo vệ, giữ gìn nó như thế nào? Khi bị mất đi, hư hao thì ta khổ sở ra làm sao? Đủ mọi mặt, đủ cách thức nó làm cho ta đau khổ trong cuộc đời. Ta quán xét tiếp rằng, khi chết có mang theo tài sản được không, từ những vật nhỏ nhất đến những vật ta trân quý nhất, tiền bạc, vàng, kim cương, nhà, xe mà mình đã làm ra được, khi chết mang theo được thứ gì? Quán xét để thấy của cải tài sản không phải là những thứ luôn luôn ở bên mình. Có vậy ta mới không tham đắm, dính mắc chúng.
 

► Quán xét về vợ chồng con cái

 
Đặt niệm vợ chồng con cái quán xét xem có phải là nhân quả vay nợ nhau không? Bởi vì vợ chồng con cái là những người gần gũi với mình nhất và dễ làm cho mình dính chặt trong cuộc đời của mình. Cho nên quý cư sĩ đặt niệm đó để quán xét xem có phải là cái nhân quả vay nợ nhau hay đó là một tình cảm thiêng liêng nào để thành vợ thành chồng với nhau. Đó là đặt cái niệm để quý cư sĩ quán xét. Vì vậy quý cư sĩ phá được lậu hoặc đó.
 

► Quán xét về danh

 
Đặt niệm danh. Ai cũng ham danh này, danh kia, do đó ta đặt niệm danh quán xét, xem cái danh có thật hay giả.
 

► Quán xét về sắc dục

 
Đặt niệm sắc dục quán xét. Sắc dục gợi cho mình lòng ham thích tình dục. Quán xét những hành động sắc dục là bất tịnh, những hành động sắc dục không có sạch sẽ. Do đó đặt cái niệm đó để quý cư sĩ quán xét xem coi niệm đó có thật sự là hạnh phúc không, hay đó chỉ là một cái giả để tạo cho quý cư sĩ cái nhân tái sanh luân hồi.
 
Những cái như vậy chúng ta phải đặt niệm để quán xét, có quán xét thì chúng ta mới thấu triệt được tất cả những cái này, và do đó chúng ta phá được những lậu hoặc ở trong tâm của mình.
 

► Quán xét về ngủ

 
Đặt niệm ngủ quán xét xem cái ngủ từ đâu đến, cái ngủ đưa đến những cái gì, tai hại của ngủ ra sao. Tức là mình thấu suốt được cái ngủ thì mình không còn ham ngủ nữa.
 

► Quán xét về ăn

 
Đặt niệm ăn quán xét coi nó ngon chỗ nào, rồi nó hết ngon chỗ nào, rồi nó bất tịnh chỗ nào. Ăn để sống hay sống để chạy theo cái ăn? Thấu suốt được cái ăn thì mình không còn ham ăn nữa.
 

► Quán xét về thân người phụ nữ

 
Đặt niệm thân của người phụ nữ để quán xét. Vì hầu hết thấy thân của người phụ nữ là đẹp, là tốt, là cám dỗ, là mềm mại, là thích thú, cho nên mình đặt cái niệm phụ nữ ra xem coi nó như thế nào. Do mình thấu suốt được thân người phụ nữ không có gì hấp dẫn, không có gì quyến rũ, mình thấy sợ, thấy ghê gớm và mình xem như là một sự nguy hiểm làm mình dính mắc không thoát ra khỏi sự bất tịnh, hạ liệt, đưa đến tái sinh luân hồi khổ đau, mình quá sợ hãi.
 

► Quán xét về 5 triền cái

 
Triền cái nghĩa là màn che. Có 5 màn che là tham, sân, si, mạn, nghi, 5 màn che này che đậy làm chúng ta không thấy.
 
Quán xét 5 triền cái để nhận biết tâm mình có đang rơi vào trạng thái nào trong 5 triền cái này không.
 
- Tham triền cái: là lòng tham muốn che đậy làm chúng ta không thấy cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác. Do chỗ đó mới đem đến cho chúng ta khổ đau.
 
Ví dụ một người tham ăn uống, khi nhìn thấy các món ăn mạng động vật, tâm tham ăn khởi lên lên che đậy làm họ không thấy sự khổ của chúng sinh phải bỏ mạng. Họ chỉ biết thơm ngon quá và ăn cho thỏa, không biết rằng mình đã đánh mất tâm từ bi và gánh lấy nghiệp sát sinh.
 
- Sân triền cái: là lòng tức giận ngăn che không thấy khổ. Khi cơn sân nổi lên nó ngăn che không cho mình thấy khổ, nên mình mặc sức chửi mắng, đánh đập, hại người ta. Lúc hết sân mình mới nhận ra, lúc sân mình đang rất khổ và gây ra nhiều cái khổ khác.
 
- Si triền cái: là cái màn che trí tuệ làm cho nó không hiểu biết chánh pháp, tà pháp, thiện, ác.
 
- Mạn triền cái: là tính ngạo mạn, tự kiêu, tự đại ngăn che làm cho mình không thấy chỗ dở của mình. Ngược lại, chỉ thấy cái hay của mình, tự nghĩ mình hơn người, cái gì mình cũng hiểu biết hết.
 
- Nghi triền cái: là lòng nghi ngờ ngăn che không thấy sự thật.
 

► Quán xét về 7 kiết sử

 
Kiết sử là những pháp trói buộc con người, khiến cho đau khổ. Có 7 kiết sử là: ái kiết sử, sân kiết sử, kiến kiết sử, nghi kiết sử, mạn kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử.
 
Quán xét về 7 kiết sử để nhận biết tâm mình có đang rơi vào trạng thái nào trong 7 kiết sử này không.
 
- Ái kiết sử: là lòng thương yêu, ưa mến, thích thú của mình với một đối tượng nào đó, như một người, một con vật, một đồ vật… sự trói buộc đó làm mình đau khổ.
 
- Sân kiết sử: là lòng sân, buồn, tức, giận dữ kéo dài hoài trong lòng mình không nguôi, làm cho mình buồn khổ.
 
- Kiến kiết sử: là sự cố chấp hiểu biết của mình, cho là đúng, còn tất cả sự hiểu biết của người khác cho là sai. Vì thế nó tự trói buộc mình lại, làm khổ mình. Ai nói gì mình cũng chả nghe, dù họ có kinh nghiệm từng trải.
 
- Nghi kiết sử: là lòng nghi ngờ tự trói buộc mình, làm khổ mình, mà chẳng bao giờ chịu rời bỏ
 
- Mạn kiết sử: là lòng ngã mạn, kiêu căng, tự đắc, tự trói buộc mình, lúc nào cũng xem mình là trên hết. Hầu như người ta có một chút ít học thức nào đó, bỗng dưng người ta có mạn kiết sử liền tức khắc, nó trói buộc họ, họ coi chỗ học của họ là hơn hết, cho nên họ bị ngã mạn.
 
- Hữu tham kiết sử: là những vật mình có rồi và nó trói buộc mình, làm cho mình không buông xả được. Ai mà làm hư, làm mất thì mình buồn, tiếc, giận, rất là khổ sở.
 
- Vô minh kiết sử: là điều mình không hiểu mà cứ nghĩ rằng mình hiểu.
 

► Quán xét về 4 bất hoại tịnh

 
4 bất hoại tịnh gồm có: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới.
 
Chữ “niệm” ở đây có nghĩa là bắt chước, làm theo.
 
- Niệm Phật: ta tư duy, quán xét, suy ngẫm Đức Phật sống như thế nào mà tâm hồn thanh thản, an lạc, giải thoát, rồi ta tâm tâm niệm niệm về đời sống của Ngài. Khi tâm niệm như vậy khiến ta đặt trọn lòng tin nơi Phật, do đó Phật sống như thế nào thì ta cố gắng sống như thế nấy, Phật làm như thế nào thì ta cố gắng làm như thế nấy. Sống và làm đúng như Phật thì tự nhiên ta ly dục ly ác pháp, tâm được thanh tịnh, giải thoát.
 
- Niệm Pháp: có nghĩa là tư duy, suy nghĩ những pháp mà Đức Phật đã dạy và làm theo.
 
- Niệm Tăng: chọn vị Thánh Tăng trong thời Đức Phật làm ngọn đuốc soi đường, hằng ngày ta tư duy, quán xét đức hạnh sống của vị Tăng đó làm gương và tập sống như vậy.
 
- Niệm Giới: học và quán xét tư duy cho thông suốt về từng giới luật đức hạnh, ví dụ ta đang tu tập 5 giới thì quán xét về từng giới trong 5 giới, rồi hằng ngày quyết tâm sống đúng như vậy.
 
4 bất hoại tịnh là một chùm pháp, chỉ cần tu một pháp là thành tựu hết cả bốn pháp.
 

► Quán xét về 5 giới

 
Giống phần niệm Giới trong 4 bất hoại tịnh. Hành giả nghe, học thật kỹ từng giới rồi quán xét tư duy cho hiểu, cho thấm nhuần, sau đó dùng pháp hướng tâm áp dụng vào đời sống hằng ngày.
 

► Quán xét về 10 điều lành

 
Cũng như 5 giới, hành giả nghe, học thật kỹ từng điều lành, điều ác trong 10 điều, rồi quán xét tư duy cho hiểu, cho thấm nhuần, sau đó dùng pháp hướng tâm áp dụng vào đời sống hằng ngày.
 

► Quán xét về 4 vô lượng tâm

 
Hành giả nghe, học thật kỹ từng tâm từ, bi, hỷ xả trong 4 tâm vô lượng, rồi quán xét tư duy cho hiểu, cho thấm nhuần, sau đó hằng ngày trau dồi bằng pháp hướng tâm.
 

► Tu tập định vô lậu có 3 việc cần phải lưu ý

 
  • Phòng hộ 6 căn: Tức là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc 6 trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nhờ thiện xảo, khéo léo giữ gìn như vậy nên tâm không phóng giật.  Tâm không phóng giật là tâm thường quay vào trong nên không tham dự chuyện thiên hạ bên ngoài, nên thường sống một mình, nhưng lại hòa hợp với mọi người, ai làm sao cũng được, biết tùy thuận và bằng lòng.
 
  • Sanh y là căn bản của sự khổ đau: Sanh y có nghĩa là những pháp xung quanh ta tạo thành cuộc sống của ta. Khi ta chưa biết sử dụng trí tuệ nhân bản nhân quả thì chính sanh y, đời sống chung đụng với mọi người, mọi vật, mọi loài chúng sinh mà chúng ta phải chịu nhiều khổ đau, phiền toái. Đây là lời cảnh giác khuyên nhắc của Đức Phật, người cư sĩ tại gia hãy đề cao cảnh giác đối với mọi sanh y.
 
  • Giải thoát là nhờ đoạn dứt sanh y: Còn đây là lời khuyên của Đức Phật đối với một vị tỳ kheo về sanh y, nếu muốn tìm tu giải thoát mà không đoạn dứt sanh y thì không bao giờ có giải thoát được.
 
Đến đây, chúng ta đã tóm lược xong pháp tu định vô lậu. Đây pháp tu trọng tâm để ly dục ly ác pháp, vì vậy khi tu tập hành giả phải có sự nhiệt tâm, có lòng tin pháp môn này của Phật giúp ta có trí tuệ hiểu biết mang đến sự giải thoát, kiên trì tu tập hằng ngày sẽ có giải thoát ngay liền.
 
Tiếp đến, chúng ta tìm hiểu pháp tu định chánh niệm tỉnh giác để biết cách tạo ra một sức tỉnh thức. Sau khi tìm hiểu xong, chúng ta sẽ nắm được đủ 3 pháp hành quan trọng để tu tập xả tâm là định vô lậu, định chánh niệm tỉnh giác và như lý tác ý.
Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây