Tu hành đúng chánh Phật phápNhững ghi chép ngắn gọn, đúc kết từ những bài giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, giúp cho người mới tìm đến đạo Phật biết được khởi đầu nên trang bị những hiểu biết gì, tu tập những pháp nào, pháp nào là trọng tâm, pháp nào cần tu trước, pháp nào cần t
Thứ bảy, 21/12/2024, 23:49
Tu hành đúng chánh Phật pháp
MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO
7 KIẾT SỬ
Thứ năm - 28/11/2024 21:31
[Tu hành đúng chánh Phật pháp] - Do đoạn tận, cắt đứt tùy tham kiết sử… sân kiết sử… kiến kiết sử… nghi kiết sử… mạn kiết sử… hữu tham kiết sử… vô minh kiết sử, Phạm hạnh được sống. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đã đoạn tận tùy tham kiết sử... cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây sà la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa kiết sử, và chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bảy Pháp - Phẩm 1, 2
I. Phẩm Tài Sản
(I) (1) Ðược Ái Mộ (1)
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathì, Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. – Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, không được khả ý, không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo. Thế nào là bảy?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ưa muốn lợi dưỡng, ưa muốn tôn kính, ưa muốn được tán thán, không xấu hổ, không sợ hãi, ác dục và tà kiến.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, không được khả ý, không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo.
4. Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, được khả ý, được kính trọng, được bắt chước tu tập theo. Thế nào là bảy?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa muốn lợi dưỡng, không ưa muốn tôn kính, không ưa muốn được tán thán, có xấu hổ, có sợ hãi, ít dục và chánh kiến.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, được khả ý, được kính trọng, được bắt chước tu tập theo.
(II) (2) Ðược Ái Mộ (2)
… (như kinh 1, thay hai pháp cuối với “tật đố và xan tham” và với “không tật đố, không xan tham”).
(III) (3) Các Sức Mạnh Tóm Tắt
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy sức mạnh này. Thế nào là bảy?
2. Tín lực, tấn lực, tàm lực, quý lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có bảy sức mạnh này.
Tín lực và tấn lực,
Tàm lực và quý lực,
Niệm lực và định lực,
Tuệ là lực thứ bảy,
Và tuệ lực thứ bảy;
Tỷ-kheo với lực này,
Sống hiền trí an lạc,
Như lý suy tư pháp,
Quán rõ đích trí tuệ,
Như ngọn lửa tàn diệt,
Với tâm được giải thoát.
(IV) (4) Các Sức Mạnh rộng Thuyết
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy sức mạnh này. Thế nào là bảy?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn lực?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, làm sanh khởi các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì, không có bỏ rơi gánh nặng đối với các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm lực?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng xấu hổ, xấu hổ với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tàm lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý lực?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quý lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm lực?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đầy đủ niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức nhớ, tùy niệm những điều làm đã lâu, nói đã lâu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định lực?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử ly dục, ly các pháp ác bất thiện… chứng đạt và an trú vào sơ Thiền, … Thiền thứ hai … Thiền thứ ba … Thiền thứ tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.
Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là bảy pháp.
Tín lực và tấn lực,
Tàm lực và quý lực,
Niệm lực và định lực,
Và tuệ lực thứ bảy;
Tỷ-kheo với lực này,
Sống hiền trí an lạc,
Như lý suy tư pháp,
Quán rõ đích trí tuệ,
Như ngọn lửa tàn diệt,
Với tâm được giải thoát.
(V) (5) Các Tài Sản Tóm Tắt
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản này. Thế nào là bảy?
2. Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy tài sản.
Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và quý tài,
Và tuệ là tài thứ bảy;
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Ðược gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.
(VI) (6) Các Tài Sản Rộng Thuyết
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản này. Thế nào là bảy?
2. Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán… Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh… từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm tài?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tàm tài.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý tài?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quý tài.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là văn tài.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả, với bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ tài.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy tài sản.
Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ, tài thứ bảy;
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Ðược gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.
(VII) (7) Ugga
1. Bấy giờ Ugga, vị Ðại thần của vua đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Ugga, vị đại thần của vua, bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Giàu có đến như vậy, đại phú đến như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migàra Rohaneyyo!
– Này Ugga, Migàra Rohaneyyo giàu có đến mức nào, đại phú đến mức nào, tài sản nhiều đến mức nào?
– Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm ngàn, còn nói gì về bạc!
– Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải Ta nói rằng đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch. Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Bảy loại tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối.
Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ tài thứ bảy;
Ai có tài sản này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Người ấy là đại phú
Thiên nhân giới khó thắng
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.
(VIII) (8) Các Kiết Sử
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy kiết sử này. Thế nào là bảy?
2. Tùy tham kiết sử, sân kiết sử, kiến kiết sử, nghi kiết sử, mạn kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử. Này các Tỷ-kheo có bảy kiết sử này.
(IX) (9) Ðoạn Tận
1. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận, do cắt đứt bảy kiết sử, Phạm hạnh được sống. Thế nào là bảy?
2. Do đoạn tận, cắt đứt tùy tham kiết sử, Phạm hạnh được sống… sân kiết sử… kiến kiết sử… nghi kiết sử… mạn kiết sử… hữu tham kiết sử… do đoạn tận, do cắt đứt vô minh kiết sử, Phạm hạnh được sống.
Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận, cắt đứt bảy kiết sử này, Phạm hạnh được sống. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đã đoạn tận tùy tham kiết sử, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây sà la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa kiết sử, và chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
(X) (10) Xan Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy kiết sử này. Thế nào là bảy?
2. Tùy tham kiết sử, sân kiết sử, kiến kiết sử, nghi kiết sử, mạn kiết sử, tật đố kiết sử, xan tham kiết sử. Này các Tỷ-kheo, có bảy kiết sử này.
II. Phẩm Tùy Miên
(I) (11) Tùy Miên(1)
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy tùy miên. Thế nào là bảy?
2. Dục tham tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên. Này các Tỷ-kheo, có bảy tùy miên này.
(II) (12) Tùy Miên (2)
1. – Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận, do cắt đứt bảy tùy miên, Phạm hạnh được sống. Thế nào là bảy?
2. Do đoạn tận, do cắt đứt dục tham tùy miên, Phạm hạnh được sống… sân tùy miên… kiến tùy miên.. nghi tùy miên… mạn tùy miên… hữu tham tùy miên… do đoạn tận, do cắt đứt vô minh tùy miên, Phạm hạnh được sống.
3. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận, cắt đứt bảy tùy miên này, Phạm hạnh được sống. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo nào đoạn tận dục tham tùy miên… vô minh tùy miên, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây sàla, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa tùy miên, với chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
(III) (13) Gia Ðình
1. – Này các Tỷ-kheo, gia đình nào thành tựu bảy chi phần; nếu chưa đến thăm, thời không xứng đáng để đi đến, nếu đã đến thăm, thời không xứng đáng để ngồi xuống. Thế nào là bảy?
2. Không vui vẻ đứng dậy, không vui vẻ chào đón, không vui vẻ mời ngồi; có chỗ ngồi đem giấu đi; từ nhiều họ cho ít, từ đồ thù thắng, họ cho đồ thô xấu; họ cho không có kính trọng, không có kính lễ.
Này các Tỷ-kheo, gia đình nào thành tựu bảy chi phần này; nếu chưa đến, thời không xứng đáng để đến; nếu đã đến, thời không xứng đáng để ngồi xuống.
(IV) (14) Các Hạng Người
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng người đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?
2. Câu phần giải thoát, tuệ giải thoát, thân chứng, kiến chí, tín giải thoát, tùy pháp hành, tùy tín hành.
Bảy hạng người này, này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
(V) (15) Ví Dụ Nước
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng người được ví dụ với nước, có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người lặn một lần rồi chìm luôn; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, lại chìm xuống; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, lại nhìn và thấy; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên lại bơi tới; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, đạt được chỗ có chân đứng; ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên, sau khi bơi qua đến được bờ bên kia, lên đứng trên đất liền, là một vị Bà-la-môn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người, lặn một lần rồi chìm luôn?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hoàn toàn thành tựu với các pháp đen, bất thiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người lặn một lần rồi chìm luôn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên lại chìm xuống?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: “Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng xấu hổ… Lành thay, lòng sợ hãi… Lành thay, sự tinh tấn… Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!” Lòng tin ấy của vị đo không an trú, không tăng trưởng, bị giảm thiểu. Lòng xấu hổ đó của vị ấy… lòng sợ hãi đó của vị ấy… sự tinh tấn đó của vị ấy… Trí tuệ đó của vị ấy không an trú, không tăng trưởng, bị giảm thiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo là hạng người sau khi nổi lên, lại chìm xuống.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ như sau: “Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn… Lành thay, lòng sợ hãi… Lành thay, sự tinh tấn… Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!” Lòng tin đó của vị ấy không giảm thiểu, không tăng trưởng, được đứng lại, lòng hổ thẹn đó của vị ấy… lòng sợ hãi đó của vị ấy… sự tinh tấn đó của vị ấy… trí tuệ đó của vị ấy không giảm thiểu, không tăng trưởng, được đứng lại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, lại nhìn và thấy?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: “Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn… Lành thay, lòng sợ hãi… Lành thay, sự tinh tấn… Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!” Vị ấy, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc chứng ngộ Bồ đề. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, lại nhìn và thấy.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, lại bơi tới?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: “Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn… Lành thay, lòng sợ hãi… Lành thay, sự tinh tấn… Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!” Vị ấy, sau khi đoạn diệt ba kiết sử, sau khi làm muội lược tham sân si, là bậc Nhất Lai, còn trở lui đời này một lần nữa rồi đoạn tận khổ đau. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, lại bơi tới.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên, lại đạt được chân đứng?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sau khi nổi lên và suy nghĩ: “Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng hổ thẹn… Lành thay, lòng sợ hãi… Lành thay, sự tinh tấn… Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!” Vị ấy, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không trở lui trạng thái ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên, đã đạt chân đứng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi nổi lên đã bơi qua, đạt đến bờ bên kia, đứng trên đất liền, là bậc Bà-la-môn?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người nổi lên và suy nghĩ: “Lành thay, lòng tin trong các thiện pháp! Lành thay, lòng xấu hổ … Lành thay, lòng sợ hãi… Lành thay, sự tinh tấn… Lành thay, trí tuệ trong các thiện pháp!” Vị ấy, sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi nổi lên đã bơi qua, đã đến bờ bên kia, đã đứng trên đất liền, là bậc Bà-la-môn.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy hạng người được ví dụ với nước, có mặt, hiện hữu ở đời.
(VI) (16) Không Thường Xuyên
1. – Có bảy hạng người này, này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, có hạng người sống tùy quán vô thường trong tất cả hành, tưởng vô thường, cảm thọ vô thường, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải với tuệ thể nhập. Vị ấy, với sự đoạn diệt các lậu hoặc… sau khi chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ nhất đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người sống tùy quán vô thường… với tuệ thể nhập. Với vị ấy, sự chấm dứt các lậu hoặc và sự chấm dứt sinh mạng xảy đến một lần, không trước không sau. Ðây là hạng người thứ hai, này các Tỷ-kheo… vô thượng ở đời.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người sống tùy quán vô thường… với tuệ thể nhập. Vị ấy, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Niết-bàn… chứng được Tổn hại Niết-bàn… chứng được Vô hành Niết-bàn… chứng được Hữu hành Niết-bàn… chứng được Thượng lưu, đạt được Sắc cứu cánh. Ðây là hạng người thứ bảy, này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
Bảy hạng người này, này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính… vô thượng ở đời.
(VII) (17) Khổ, Vô Ngã, Tịch Tịnh
1. – Có bảy hạng người này, này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính… ở đời. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sống tùy quán khổ trong tất cả các hành… sống tùy quán vô ngã trong tất cả các pháp… sống tùy quán lạc trong Niết-bàn, tưởng lạc, cảm thọ lạc trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy với sự đoạn diệt các lậu hoặc… sau khi chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Ðây là hạng người thứ nhất đáng được cung kính… là ruộng phước vô thượng ở đời.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người sống tùy quán lạc trong Niết-bàn, tưởng lạc cảm thọ lạc, trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập. Với vị ấy, sự chấm dứt các lậu hoặc và sự chấm dứt sinh mạng xảy đến một lần, không trước không sau. Ðây là hạng người thứ hai đáng được cung kính… là ruộng phước vô thượng ở đời.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người sống quán lạc trong Niết-bàn, tưởng lạc, cảm thọ lạc trong tất cả thời, liên tục, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập. Vị ấy sự đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Niết-bàn…, chứng được Tổn hại Niết-bàn… chứng được Vô hành Niết-bàn… chứng được Hữu hành Niết-bàn… chứng được Thượng lưu, đạt được Sắc cứu cánh. Ðây là hạng người thứ bảy, này các Tỷ-kheo, đáng được cung kính… là ruộng phước vô thượng ở đời.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy hạng người ở đời đáng được cung kính… là ruộng phước vô thượng ở đời.
(VIII) (18) Sự Thù Diệu
1. – Này các Tỷ-kheo, có bảy sự thù diệu này. Thế nào là bảy?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán Pháp và trong tương lai khát vọng quán Pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục, và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục; tha thiết Thiền tịnh, và trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy căn bản để được tán thán.