MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO

CẦN PHẢI THÂN CẬN AI?

Thứ sáu - 17/01/2025 10:04
[Tu hành đúng chánh Phật pháp] - Ở đây, khi biết được một người như sau:

- Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng.

- Những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách khó khăn hay không khó khăn.

- Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn”.

Này chư Hiền, đối với một người như vậy, cần phải theo người đó, không được bỏ đi.

… Ở đây, khi biết được về một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm… ”. Ðối với một người như vậy, này chư hiền, bất luận đêm hay ngày, không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy.



Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín Pháp - Phẩm 1: Phẩm Chánh Giác - Đoạn 6, 7, 8, 9, 10
 
(VI) (6) Cần Phải Thân Cận
 
1. Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: “Này chư Hiền”. – “Thưa Hiền giả”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
 
2. – Này chư Hiền, con người cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần phải thân cận hay không cần phải thân cận. Y áo, này chư Hiền, cần phải tìm hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Ðồ ăn khất thực, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Làng và thị trấn, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được tìm đến hay không cần được tìm đến. Quốc độ, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần được tìm đến hay không cần được tìm đến.
 
3. Con người, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: cần phải thân cận hay không cần phải thân cận được nói đến như vậy. Do duyên gì, được nói đến như vậy?
 
Ở đây, khi biết được về một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm. Các vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên mãn”. Ðối với một người như vậy, này chư hiền, bất luận đêm hay ngày, không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy. Ở đây, khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm. Các vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên mãn”. Ðối với một người như vậy, này chư Hiền, sau khi tính toán, không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy. Ở đây, khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng, những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn”. Này chư Hiền, đối với một người như vậy, sau khi tính toán, cần phải theo người ấy, không được bỏ đi. Ở đây, sau khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng, những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn”. Này chư Hiền, đối với một người như vậy, cần phải theo cho đến trọn đời, không được bỏ đi, dầu có bị từ chối.
 
Này chư Hiền, một người cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được thân cận và không cần được thân cận đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến.
 
4. Y áo, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
 
Ở đây, sau khi biết được về y như sau: “Nếu ta sử dụng y này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; y như vậy không nên sử dụng”. Ở đây, sau khi biết được về y như sau: “Nếu ta sử dụng y này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; y như vậy nên sử dụng”.
 
Này chư Hiền, y áo cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng, được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.
 
5. Ðồ ăn khất thực, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
 
Ở đây, sau khi biết được về đồ ăn khất thực như sau: “Nếu ta sử dụng đồ ăn khất thực này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; đồ ăn khất thực như vậy không nên sử dụng”. Ở đây, sau khi biết được về đồ ăn khất thực như sau: “Nếu ta sử dụng đồ ăn khất thực này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; đồ ăn khất thực như vậy nên sử dụng”.
 
Này chư Hiền, đồ ăn khất thực cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.
 
6. Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
 
Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như sau: “Nếu ta sử dụng sàng tọa này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; sàng tọa như vậy không nên sử dụng”. Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như sau: “Nếu ta sử dụng sàng tọa này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; sàng tọa như vậy nên sử dụng”.
 
Này chư Hiền, sàng tọa cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được sử dụng hay không cần được sử dụng được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.
 
7. Làng, thị trấn, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được tìm đến và không cần được tìm đến đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến?
 
Ở đây, sau khi biết được về làng, thị trấn như sau: “Nếu ta tìm đến làng, thị trấn này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; làng và thị trấn như vậy không nên được tìm đến”. Ở đây, sau khi biết được về làng, thị trấn như sau: “Nếu ta tìm đến làng, thị trấn, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; làng, thị trấn như vậy cần được tìm đến”.
 
Này chư Hiền, làng, thị trấn cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được tìm đến hay không cần được tìm đến, được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.
 
8. Quốc độ, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: cần được tìm đến và không cần được tìm đến đã được nói như vậy. Do duyên gì được nói đến?
 
Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như sau: “Nếu ta tìm đến quốc độ này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; quốc độ như vậy không nên được tìm đến”. Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như sau: “Nếu ta tìm đến quốc độ này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; quốc độ như vậy nên được tìm đến”.
 
Này chư Hiền, quốc độ cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: nên được tìm đến hay không nên được tìm đến, được nói đến như vậy, do duyên này được nói đến.
 
(VII) (7) Du Sĩ Sutavà
 
1. Như vậy tôi nghe:
 
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại núi Gijjhakùta. Rồi du sĩ Sutavà đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Sutavà bạch Thế Tôn;
 
2. – Bạch Thế Tôn, có một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Giribbaja. Tại đây, bạch Thế Tôn, con có nghe từ miệng Thế Tôn, con có chấp nhận từ miệng Thế Tôn:
 
“Này Sutavà, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể làm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể có ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể lấy của không cho được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ”. Bạch Thế Tôn, như vậy không biết con có khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì lời Thế Tôn dạy hay không?
 
3. – Thật vậy, này Sutavà, như vậy Thầy đã khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì. Xưa kia, và cả nay nữa, này Sutavà, Ta đã nói như sau: “Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát, vị ấy không có thể vi phạm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể lấy của không cho được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể hưởng thọ các dục do các đồ ăn cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến sân; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến si; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể đi đến sợ hãi”. Xưa kia và cả nay nữa, Ta nói như sau: “Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm chín sự”.
 
(VIII) (8) Du Sĩ Sajjha
 
1. Như vầy tôi nghe:
 
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta. Rồi du sĩ Sajjha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm xã giao, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Sajjha bạch Thế Tôn:
 
2. – Bạch Thế Tôn, có một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Giribaja. Tại đây, bạch Thế Tôn, con có nghe từ miệng Thế Tôn, con có chấp nhận từ miệng Thế Tôn.
 
” Này Sajjha, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm năm sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể lấy của không cho, được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước làm gia chủ”. Bạch Thế Tôn, như vậy không biết con có khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì lời Thế Tôn dạy hay không?
 
3. – Thật vậy, này Sajjha, như vậy Thầy đã khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì. Xưa kia và cả nay nữa, này Sajjha, Ta đã nói như sau:
 
“Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm chín sự: Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể cố ý đoạt mạng sống của loài hữu tình; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể lấy của không cho, được gọi là ăn trộm; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hành dâm dục; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể biết mà nói láo; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, không có thể hưởng thọ các dục do các đồ cất chứa đem lại, như trước còn làm gia chủ. Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Phật; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Pháp; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận chúng Tăng; Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc không có thể phủ nhận Học pháp”.
 
– Xưa kia và cả nay nữa, Ta tuyên bố như sau:
 
“Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu viên mãn, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, chơn chánh giải thoát; vị ấy không có thể vi phạm chín sự”.
 
(IX) (9) Các Hạng Người
 
1. – Này các Tỷ-kheo, có chín hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là chín?
 
2. Bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng đắc quả A-la-hán; bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Bất lai; bậc Nhất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Nhất lai; bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Dự lưu; kẻ phàm phu.
 
Này các Tỷ-kheo, có chín hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
 
(X) (10) Ðáng Cung Kính
 
1. – Này các Tỷ-kheo, có chín hạng người này đáng được cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là chín?
 
2. Bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng đắc quả A-la-hán; bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Bất lai; bậc Nhất lai, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Nhất Lai; bậc Dư lưu, bậc đã hướng đến chứng đắc quả Dự lưu; bậc chuyển tánh (gotrabhù).

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây