► Pháp hướng tâm như lý tác ý
Pháp hướng tâm (như lý tác ý) là pháp dẫn tâm vào một lý chân chính, lý giải thoát của đạo. Dẫn tâm bằng cách dùng ý thức tác ý ra để nhắc tâm không làm sai, hướng tâm đi vào chỗ giải thoát. Lý chân chính, lý giải thoát của đạo là lý nhân quả, lý vô thường, khổ, vô ngã, lý duyên hợp duyên tan.
Ví dụ, khi gặp chuyện gì không như ý, ta nhắc tâm: “Đây là nhân quả, tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Nhờ nhắc tâm cái lý chân thật là lý nhân quả, nên ta không còn buồn khổ hay bực mình nữa, vì ta biết chuyện không như ý này xảy ra là do quy luật nhân quả đang vận hành, trong quá khứ ta từng gieo nhân xấu nên bây giờ quả không như ý mới đến, vậy nên ta vui vẻ chấp nhận.
Pháp như lý tác ý dùng trong 2 trường hợp:
- Trường hợp 1 là khi ta gặp đối tượng dục hoặc ác pháp, ta dùng như lý tác ý để hướng tâm vào thiện pháp, vào lý giải thoát, nhờ đó ta không còn dính mắc vào đối tượng, xả ly được dục, ác pháp. Đó là nguyên lý Phật dạy, tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt. Nếu không hướng tâm vào thiện pháp thì tâm dính mắc vào đối tượng dục, ác pháp, sinh ra khổ.
- Trường hợp 2 là khi ta ở trạng thái bình thường, thỉnh thoảng ta tác ý để nhắc tâm, hướng tâm về thiện pháp, làm cho dục và ác pháp không sinh khởi. Đức Phật dạy: “Có như lý tác ý, lậu hoặc chưa sinh sẽ không sinh, lậu hoặc đã sinh sẽ bị diệt”. Lậu hoặc nghĩa là những đau khổ của thân và tâm.
Pháp hướng tâm sẽ có hiệu quả cao khi tu tập thành lực tác ý và hành giả phải thông hiểu về lý giải thoát được dùng trong câu pháp hướng. Như ví dụ ở phần đầu, hành giả phải có trí tuệ hiểu biết về nhân quả thì khi nhắc tâm “đây là nhân quả”, cái trí tuệ hiểu biết về nhân quả mới ngay đó hiện ra làm cho tâm không bị ác pháp chi phối và nhanh chóng trở về trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự. Trí tuệ thông hiểu về các lý giải thoát sẽ có được nhờ tu tập định vô lậu.
Các tác dụng của pháp hướng tâm:
- Giúp cho trí tuệ bén nhạy nhanh chóng trước các pháp ác.
- Giúp cho tâm tạo ra một năng lực siêu việt không thể nghĩ lường.
Thường xuyên hướng tâm sẽ tạo thành một cái ý thức lực rất mạnh.
- Pháp hướng tâm là phương cách dẫn tâm vào chỗ giải thoát.
- Pháp hướng tâm còn gọi là pháp huấn luyện tâm.
Huấn luyện tâm giống như một người đang huấn luyện voi, rất cần sự kiên trì và thiện xảo, khéo léo, lúc thì dùng câu tác ý nhẹ nhàng, ngọt ngào vuốt ve, khi thì tác ý mạnh mẽ, cứng rắn. Tâm được khéo huấn luyện thì khi cần ta chỉ nhắc tâm một câu là tâm thực hiện theo ngay liền.
Vì mỗi người có một đặc tướng khác nhau nên hành giả phải tự nghĩ ra câu tác ý cho phù hợp với bản thân mình thì tác ý mới có hiệu quả. Những câu tác ý của người khác chỉ để tham khảo.
Câu pháp hướng nên ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa và chỉ thẳng mục đích của nó, giải quyết tâm trạng đang vướng mắc cần phải xả ly, từ bỏ trong pháp đang tu hành. Chọn câu pháp hướng như một lệnh truyền thì sẽ có hiệu quả, còn nếu câu pháp hướng tâm dài quá sẽ mất ý nghĩa truyền lệnh mạnh mẽ, do đó sẽ không có hiệu quả.
Trong một thời chỉ nên dùng 1 câu pháp hướng thì sẽ có hiệu quả hơn dùng nhiều câu. Có nghĩa là ở quãng thời gian đó ta đang tu pháp nào, giai đoạn nào thì nên chọn câu pháp hướng tâm ở giai đoạn đó, pháp môn đó cho phù hợp.
Pháp hướng tâm còn một cách sử dụng khác, đó là tác ý nhắc ngay liền trước một hành động ta định làm để ta có sự tỉnh thức, khéo léo, thiện xảo trong hành động đó. Tác ý thường sử dụng khi tu tập định chánh niệm tỉnh giác.
Người mới tu chỉ được dùng pháp hướng tâm để ly dục, ly ác pháp. Khi nào tâm thanh tịnh, tức là tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi thì mới được dùng pháp hướng tâm nhập định, tịnh chỉ tầm tứ, gom tâm, tịnh chỉ tưởng thức, tịnh chỉ hơi thở, tịnh chỉ âm thanh, tịnh chỉ thọ… Khi tâm chưa hết tham, sân, si, mạn, nghi mà dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ là nguy hiểm cho tính mạng, làm rối loạn cơ thể, cần nên tránh.
Để hiểu rõ hơn về pháp như lý tác ý, mời các bạn chuyển qua Phần 2 nghe các bài giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc về pháp môn này. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu pháp hành quan trọng nhất giúp chúng ta có sự hiểu biết để xả tâm, ly dục ly ác pháp.