MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO

NHỮNG LƯU Ý KHI TU TẬP

Thứ sáu - 25/03/2022 10:41

Những lưu ý khi tu tập

 

► Phải khéo léo, thiện xảo

 
Trong quá trình tu tập sẽ có các chướng ngại xuất hiện, hành giả cần vận dụng trí tuệ, khéo léo tự tìm cách vượt qua. Phải biết tự điều chỉnh để đạt được mục đích của pháp đang tu.
 
Ví dụ khi tìm hiểu cách trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả thấy có nhiều câu tác ý quá không biết tu thế nào. Thì mình khéo léo, xem bản thân cần trau dồi tâm nào, xem câu tác ý nào phù hợp với mình thì chọn câu đó để trau dồi.
 
Ví dụ đi kinh hành vòng to thấy khó an trú tâm vào bước chân, đi vòng nhỏ thấy dễ an trú hơn, thì mình đi vòng nhỏ.
 
Ví dụ khi thực hành pháp hướng tâm như lý tác ý, mình khéo léo lúc thì nhắc tâm nhẹ nhàng, lúc thì tác ý mạnh mẽ để huấn luyện tâm. Hay khi câu tác ý dài quá, mình tự điều chỉnh cho ngắn lại để dễ nhớ và dễ tác ý.
 
Ví dụ tu tập định vô lậu ngồi mãi một chỗ, ta chuyển qua đi kinh hành thư giãn cho thoải mái. Đi kinh hành xong ta chuyển qua tập tỉnh thức trong từng hành động. Sau đó ta ngồi chơi tự nhiên, quan sát niệm khởi nổi lên, niệm ác thì ngăn diệt, niệm thiện thì tăng trưởng. Đó là khéo kết hợp các pháp tu để thân tâm không bị gò bó và tâm được nhu nhuyễn, dễ sử dụng.
 
Ví dụ khi tu tập thấy mệt mỏi, khó chịu, ức chế thì khéo léo dừng tu, nghỉ ngơi thư giãn. Tự kiểm nghiệm lại xem mình tu quá sức hay tu sai pháp. Sau khi biết nguyên nhân thì điều chỉnh lại cho phù hợp.
 

► Tu đúng căn cơ, đặc tướng

 
Nếu không tu tập đúng căn cơ đặc tướng của mình thì cũng giống như người nhạc sĩ lên dây đàn, căng quá thì đứt dây, chùng quá thì không thành tiếng.
 
Do đó, khi tu hành chúng ta phải biết căn cơ của mình. Vậy muốn biết căn cơ của mình thì phải biết như thế nào?
 
Căn cơ của chúng ta thể hiện qua nhân tướng và hành tướng. Vì thế, khi tu tập chúng ta nên tu tập theo nhân tướng và hành tướng tự nhiên của mình.
 
Ví dụ: Hành tướng ngoại tự nhiên của mình đi chậm, khi tu tập thì phải theo hành tướng đi chậm mà tu, không được đi nhanh, cũng không đi quá chậm. Khi hành tướng tự nhiên của mình đi nhanh thì tu tập không được đi chậm quá hoặc quá nhanh, phải đi với tướng tự nhiên của mình.
 
Hành tướng nội tự nhiên của mình khi hơi thở chậm thì nên tu tập theo hơi thở chậm, hơi thở nhanh thì nên tu tập theo hơi thở nhanh, không nên hơi thở chậm mà khi tu tập thì lại thở nhanh, cũng như hơi thở nhanh mà khi tu tập thì lại thở chậm, tu như vậy không tự nhiên. Không tự nhiên thì có sự ức chế, mà có sự ức chế thì có chướng ngại pháp, có chướng ngại pháp thì không có sự giải thoát ngay liền, không có sự giải thoát ngay liền là tu sai pháp Phật, tu sai pháp Phật là tu theo pháp môn của ngoại đạo.
 
Nhân tướng là hình tướng cơ thể, có người cao, có người thấp, người đẹp, người xấu, người trắng, người đen, người mập, người ốm, người mặt dài, người mặt ngắn, mặt vuông, mặt bầu, mặt tròn...
 
Khi tu tập chúng ta khéo sử dụng cơ thể, khi thì dụ dỗ, khi thì ra lệnh, chứ không bắt ép nó tu tập nhiều thì cũng không tốt, mà tu tập ít thì cũng không có lợi, không được khổ hạnh ép xác, mà cũng không được lợi dưỡng phá giới luật. Ngày ngày tu tập phải tùy theo đặc tướng của mình mà thực hiện cho đúng pháp thì có kết quả lợi ích rất lớn.
 
Đặc tướng là tướng riêng biệt của thân, thọ, tâm, pháp của mọi người. Đặc tướng còn gọi là khả năng riêng biệt của mỗi người, không phải trời phú cho, mà họ khéo huân tập trong nhiều kiếp.
 
Ví dụ, một người nghe Đức Phật thuyết pháp xong thì chứng quả Tu Đà Hoàn, có đầy đủ pháp nhãn, nhưng lại có người cũng nghe thuyết pháp xong mà tật này vẫn còn tật nấy, không bỏ được.
 
Đặc tướng tốt hay xấu đều do nhân quả huân tập nhiều đời nhiều kiếp mà thành, chứ không phải huân tập trong một sớm một chiều mà có được. Cho nên, người có tài ba lỗi lạc là do sự huân tập nhiều đời nhiều kiếp, cũng như người tu nhanh chậm. Nếu chúng ta nói rằng mình tu chậm thì bỏ cuộc tu, tức là không huân tu nữa thì như vậy đặc tướng của chúng ta sẽ xấu và cuộc đời sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau mãi mãi. Người ta tu nhanh là nhờ người ta tu nhiều kiếp rồi, còn mình tu chậm là do mình mới tu trong kiếp này mà thôi. Chính đó là đặc tướng của mỗi người. Vì thế càng tu chậm lại càng tu tập nhiều hơn, càng tu chậm lại càng tu tập kỹ hơn.
 

► Không nản lòng

 
Chỉ có Thánh nhân mới không mắc lỗi. Còn là con người thì ai cũng có lỗi. Nhưng quan trọng phải biết xấu hổ khi mắc lỗi và sẵn sàng sửa sai. Phải có tinh thần mạnh mẽ không đầu hàng, kiên trì chiến đấu với nghiệp lực tham sân si tích tụ nhiều đời nhiều kiếp. Người thường biết sửa lỗi sẽ trở thành Thánh nhân.
 
*******************************************************
Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây