MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO

THÔNG HIỂU NHỮNG GÌ CẦN THÔNG HIỂU

Thứ sáu - 25/03/2022 21:10

1) Thông hiểu những gì cần thông hiểu

 
Có những người hiểu biết rất nhiều, học rộng hiểu xa nhưng vẫn bất an, đau khổ, tại vì sao? Vì sự hiểu biết của họ nhằm tạo ra danh, lợi, thỏa mãn cho tham dục. Đó là hiểu biết trong đau khổ, là người vô minh. Người tìm sự giải thoát không nên phát triển hiểu biết theo hướng tham dục, cũng không cần hiểu biết mênh mông, mà chỉ cần hiểu đúng pháp, đúng cách, hiểu những gì giúp ta thoát khỏi sự đau khổ, mang lại sự an ổn, giải thoát.
 
Người đến với đạo Phật đầu tiên cần trang bị những hiểu biết sau: 4 diệu đế, 12 nhân duyên, nghiệp, thân 5 uẩn, nhân quả luân hồi, thập thiện, 4 vô lượng tâm, 4 bất hoại tịnh, 4 chánh cần, 4 niệm xứ, 4 thiền, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 3 minh.
 
Trong khi tìm hiểu những điều trên sẽ có những khái niệm cần làm rõ như: vô minh, minh, thiện, ác, 5 màn che tham, sân, si, mạn, nghi, 7 kiết sử, đặc tướng, lậu hoặc, vô thường, vô ngã, tri kiến giải thoát, tâm bất động, tâm vô lậu…
 
Tiếp đó, để nhận diện, thông hiểu được cuộc sống của con người ở thế gian, chúng ta cần tìm hiểu tại sao, do nhân gì, duyên gì mà có các vấn đề sau:
 
  • Tại sao có người yểu tử, có người trường thọ? (Do nghiệp đả thương, giết hại người và chúng sinh mà tâm không có chút từ bi, thương xót).
     
  • Tại sao có người nhiều bệnh, có người ít bệnh? (Do nghiệp đánh đập, làm đau khổ người và chúng sinh).
 
  • Tại sao có người xấu, có người đẹp? (Do nghiệp bất mãn, phẫn nộ, sân hận, dữ tợn).
 
  • Tại sao có người có quyền thế lớn, có người có quyền thế nhỏ hay không có quyền thế? (Do nghiệp ganh tị tật đố, nói xấu chê bai người khác).
 
  • Tại sao có người giàu có, có người nghèo khổ? (Do nghiệp nhỏ mọn, ích kỷ, hẹp hòi, không biết bố thí, san sẻ).
 
  • Tại sao có người sinh vào gia đình hạ liệt, có người sinh vào gia đình cao quý? (Do nghiệp ngạo nghễ, kiêu mạn).
 
  • Tại sao có người trí tuệ thông minh, có người trí tuệ yếu kém, không thông minh?
 
  • Do nhân gì, duyên gì mà phân ra kẻ hạ liệt, người ưu tú như vậy?
 
Đây là những pháp chúng ta cần hiểu biết để thấy được con đường mình sẽ đi. Tất cả sẽ được lí giải rõ ràng trong các video bài giảng của Trưởng Lão ở Phần 2.
 

► Giải nghĩa một vài khái niệm

 
Dưới đây chúng tôi đưa ra giải nghĩa một vài khái niệm được sử dụng trong bản tóm lược pháp tu này để các bạn tiện theo dõi.
 
- Vô minh: là thấy biết các pháp không đúng như thật.
 
- Ác pháp: là tham lam ham muốn, sân hận hung dữ, si mê u tối, ngạo mạn tự đắc, nghi ngờ xấu xa; là phiền não, buổn khổ của tâm và đau nhức, khó chịu của thân. Nói tóm lại là các pháp làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh.
 
- Thiện pháp: là đạo đức nhân bản, đức hạnh, giới luật (5 giới, 10 điều lành), là không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh.
 
- Lậu hoặc: là những đau khổ của thân và tâm.
 
- Tri kiến: là hiểu biết, thấy biết.
 
- Tri kiến giải thoát: là hiểu biết đúng đắn như thật, hiểu biết làm cho tâm không dao động, không đau khổ, tức là hiểu biết mang lại sự giải thoát.
 
- Triển khai tri kiến giải thoát: là quá trình triển khai tư duy, quán xét, làm cho hiểu một cách đúng đắn như thật.
 
- Quán: là tư duy, suy nghĩ, quán xét.
 
- Tâm: 6 cái biết của thân là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thức gộp lại gọi là tâm.
 
- Triền cái: nghĩa là màn che. Có 5 màn che là tham, sân, si, mạn, nghi.
 
- 7 kiết sử: là 7 pháp trói buộc con người, khiến cho đau khổ. Đôi khi chúng ta nghe có 5 hạ phần kiết sử, 5 thượng phần kiết sử, thì những cái này tóm gọn chung lại thành 7 kiết sử.
 
- Pháp trí: là trí tuệ hiểu biết về các pháp sinh, già, bệnh, chết là khổ.
 
- Nhiếp tâm: nhiếp phục tâm, bắt tâm làm theo lệnh. Ví dụ nhiếp tâm vào bước đi, tức là lệnh cho tâm chỉ biết và nằm ở bước đi, không được biết các thứ khác.
 
- An trú tâm: tâm trú vào, ở yên một nơi một cách an ổn. Ví dụ tâm an trú vào bước đi, nghĩa là tâm trú yên vào bước đi một cách an ổn.
 
- Tâm bất động: tâm không dao động trước mọi ác pháp và cảm thọ tấn công.
 
- Vô sự: tâm không bận rộn lo lắng, suy nghĩ, tính toán chuyện gì.
 
- Tà niệm: tà niệm thuộc về tâm là tâm buồn rầu, lo sợ, giận hờn, ghen tức, căm thù, thương nhớ, phiền não… Tà niệm thuộc về thân là thân bị bệnh khổ, đau nhức chỗ này, đau nhức chỗ kia, ngứa ngáy, mỏi mệt, chóng mặt, đau lưng, đi đứng không vững vàng…
 
- Chánh niệm: là niệm chân chánh, niệm thiện, niệm thanh thản, an lạc, vô sự, niệm không làm khổ mình, không làm khổ người và chúng sanh.
 
- An tịnh: thanh tịnh, an ổn. Thường dùng trong câu tác ý “an tịnh thân hành” để thân được an ổn, thanh tịnh, không mệt mỏi, đau nhức, bệnh tật.
Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây