Tu hành đúng chánh Phật phápNhững ghi chép ngắn gọn, đúc kết từ những bài giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, giúp cho người mới tìm đến đạo Phật biết được khởi đầu nên trang bị những hiểu biết gì, tu tập những pháp nào, pháp nào là trọng tâm, pháp nào cần tu trước, pháp nào cần t
Thứ bảy, 21/12/2024, 23:57
Tu hành đúng chánh Phật pháp
MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO
BIẾT XẤU HỔ, SỢ HÃI
Chủ nhật - 15/12/2024 13:11
[Tu hành đúng chánh Phật pháp] - Người tu hành có lỗi biết xấu hổ và sợ hãi (tàm quý) thì cố gắng sửa đổi tâm tánh và từ bỏ các ác pháp, hằng ngày luôn giữ gìn không cho tái phạm những lỗi lầm cũ, thì người này sẽ tu hành không có trở ngại gì và kết quả sẽ chứng đắc như những người khác.
Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bảy Pháp - Phẩm 7: Đại Phẩm - Đoạn 1, 2, 3
(I) (61) Xấu Hổ
1. – Khi tàm quý không có, này các Tỷ-kheo, với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt. Khi giới không có, với người thiếu giới, chánh định đi đến hủy diệt. Khi chánh định không có, với người không có chánh định, tri kiến như thật đi đến hủy diệt. Khi tri kiến như thật không có, với người thiếu tri kiến như thật, nhàm chán ly tham đi đến hủy diệt. Khi nhàm chán ly tham không có, với người thiếu nhàm chán ly tham, giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây không có cành và lá, các mầm non của cây ấy không đi đến thành mãn; vỏ trong, giác cây, lõi cây không đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi tàm quý không có, với người không có tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt… giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.
2. Khi tàm quý có mặt, này các Tỷ-kheo, với người đầy đủ tàm quý, chế ngự các căn đi đến đầy đủ. Khi chế ngự các căn có mặt, với người đầy đủ chế ngự các căn, giới đi đến đầy đủ. Khi giới có mặt, với người đầy đủ giới, chánh định đi đến đầy đủ. Khi chánh định có mặt, với người đầy đủ chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Khi tri kiến như thật có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, nhàm chán, ly tham đi đến đầy đủ. Khi nhàm chán, ly tham có mặt, với người đầy đủ nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây có cành và lá, các mầm non của cây ấy đi đến thành mãn; vỏ trong, giác cây, lõi cây đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi tàm quý có mặt, với người đầy đủ tàm quý … giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.
(II) (62) Mặt Trời
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Vesàlì, tại rừng Ambapàli. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. – Này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường. Này các Tỷ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này các Tỷ-kheo, các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả hành. Núi chúa Sineru, này các Tỷ-kheo, dài 84 ngàn do tuần, rộng 84 ngàn do tuần, chìm xuống biển lớn 84 ngàn do tuần, nổi lên trên biển lớn 84 ngàn do tuần. Này các Tỷ-kheo, rồi có thời, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, trời không mưa. Khi không có mưa, các loài chủng tử, các loài thực vật, các rừng rậm dược thảo đều khô héo cằn cỗi không có tồn tại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường. Này các Tỷ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này các Tỷ-kheo, các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các cành. Này các Tỷ-kheo, rồi có thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ hai hiện ra.
3. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ hai có mặt, thời tất cả sông nhỏ, ao nhỏ khô cạn, khô kiệt, không có tồn tại, như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường… là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ ba hiện ra.
4. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ ba có mặt, thời các sông lớn như sông Hằng, sống Yamunà, Aciravatì, Sarabhù, Mahì, các con sông ấy bị khô cạn, bị khô kiệt, không có tồn tại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường… là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ tư hiện ra.
5. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ tư hiện ra, thời các biển hồ lớn, từ đấy các sông lớn chảy ra, ví như Anotattà, Sìhapapàtà, Rathakàrà, Kannamunda, Kunàlà, Chaddantà, Mandàkinì, các biển hồ ấy bị khô cạn, bị khô kiệt, không có tồn tại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường… là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ năm hiện ra.
6. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ năm hiện ra, thời nước các biển lớn rút lui một trăm do tuần, nước các biển lớn rút lui hai trăm do tuần, các nước biển lớn rút lui ba trăm do tuần… Nước các biển lớn rút lui bảy trăm do tuần; nước các biển lớn dừng lại sâu đến bảy cây sàla, sáu cây sàla, năm cây sàla, bốn cây sàla, ba cây sàla, hai cây sàla, chỉ một cây sàla. Nước các biển lớn dừng lại, sâu đến bảy đầu người, sâu đến sáu đầu người, năm đầu người, bốn đầu người, ba đầu người, hai đầu người, một đầu người, nửa đầu người. Nước các biển lớn dừng lại, sâu chỉ đến eo lưng của người, chỉ đến đầu gối của người, chỉ đến mắt cá của người. Ví như này các Tỷ-kheo, vào mùa thu khi trời mưa hạt lớn, chỗ này chỗ khác, trong các dấu chân của các con bò cái, có những vũng nước nhỏ đọng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, chỉ còn những vũng nước nhỏ trong dấu chân các con bò cái là nước của biển lớn còn lại, chỗ này chỗ kia. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ năm hiện ra, nước biển lớn chỉ bằng độ ngón tay. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường… là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ sáu hiện ra.
7. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ sáu hiện ra, thời đất lớn này và núi chứa Sineru, sanh khói lên, thổi khói lên, phun khói lên. Ví như, này các Tỷ-kheo, các lò của người thợ gốm mới đốt lửa lên, sanh khói lên, phun khói lên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ sáu hiện ra, thời đất lớn này và núi chứa Sineru sanh khói lên, thổi khói lên, phun khói lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường… là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời, sau một thời gian rất dài, mặt trời thứ bảy hiện ra.
8. Này các Tỷ-kheo, khi mặt trời thứ bảy hiện ra, trái đất lớn này và núi chứa Sineru bốc cháy, rực cháy, trở thành một màn lửa. Và khi quả đất lớn này và núi chúa Sineru cháy đỏ lên, cháy rực lên ngọn lửa do gió thổi bốc cao đến Phạm thiên giới. Các chóp ngọn của núi Sineru, cao đến một, hai, ba, bốn, năm trăm do tuần, khi bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, bị cả khối lửa to lớn phá hoại và chinh phục, liền sụp đổ xuống. Sau khi quả đất lớn và núi Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi bơ và dầu được cháy đỏ, được cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi quả đất lớn này và núi chứa Sineru bị cháy đỏ lên, cháy rực lên, không tìm thấy tro và lọ đen. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hành là vô thường. Này các Tỷ-kheo, các hành là không kiên cố. Này các Tỷ-kheo, các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả hành. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ai là người có thể nghĩ rằng, ai là người có thể tin rằng: “Quả đất này và núi chứa Sineru sẽ bị đốt cháy, sẽ bị hủy hoại, sẽ không còn tồn tại nữa”, trừ những người đã được chứng kiến.
9. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có Ðạo Sư Sunetta thuộc ngoại đạo, được ly tham trong các dục. Này các Tỷ-kheo, Ðạo Sư Sunetta có hàng trăm người đệ tử. Ðao Sư Sunetta thuyết pháp cho các đệ tử về cọng trú với chư Thiên ở Phạm thiên giới. Và tất cả những ai nắm hiểu một cách hoàn toàn trọn vẹn lời thuyết dạy của Sunetta, về cọng trú với chư Thiên ở Phạm thiên giới, khi thân hoại mạng chung, họ được sanh lên thiện thú Phạm thiên giới. Những ai không nắm hiểu một cách hoàn toàn trọn vẹn lời dạy của Sunetta, sau khi thân hoại mạng chung, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Tha hóa Tự tại, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Hóa Lạc thiên, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Ðâu-suất thiên, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Dạ-ma thiên, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Thiên giới Ba mươi ba, một số được sanh cọng trú với chư Thiên ở Bốn Thiên vương, một số được sanh cọng trú với các đại gia đình Sát-đế-lỵ, một số được sanh cọng trú với các đại gia đình Bà-la-môn, một số được sanh cọng trú với các đại gia đình gia chủ.
10. Rồi này các Tỷ-kheo, Ðạo Sư Sunetta suy nghĩ như sau: “Thật không xứng đáng cho ta trong đời sau lại có một sanh thú giống như sanh thú của các đệ tử. Vậy ta hãy tu tập tối thượng từ bi”. Rồi này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo sư Sunetta trong bảy năm tu tập từ tâm. Sau khi tu tập từ tâm bảy năm, trong bảy năm thành kiếp hoại kiếp, vị ấy không trở lui lại thế giới này. Trong kiếp thành của thế giới, này các Tỷ-kheo, vị ấy đi đến thế giới của Abhassara (Quang Âm thiên). Trong kiếp hoại của thế giới, vị ấy được sanh trong Phạm cung trống không. Tại đấy này các Tỷ-kheo, vị ấy là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, bậc chiến thắng, bậc vô năng, bậc biến tri, bậc tự tại. Ba mươi sáu lần, này các Tỷ-kheo, vị ấy là Thiên chủ Sakka. Nhiều lần bảy lần, vị ấy là vị Chuyển luân Thánh vương theo Chánh pháp, là vị pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, đạt được sự thanh bình cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Vị ấy có hơn một ngàn người con trai, là những bậc anh hùng, dũng mãnh, đánh tan địch quân. Và vị ấy chiến thắng quả đất này xa cho đến hải biên, trị vì quả đất này không dùng trượng, không dùng dao, đúng với Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Ðạo sư Sunetta ấy, dầu cho thọ mạng lâu dài như vậy, sống lâu dài như vậy, nhưng không được thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu não. Ta nói rằng vị ấy chưa giải thoát khỏi khổ. Vì cớ sao? Vì rằng vị ấy chưa giác ngộ, chưa thể nhập bốn pháp. Thế nào là bốn?
11. Này các Tỷ-kheo, vì không giác ngộ, không thể nhập Thánh giới; vì không giác ngộ, không thể nhập Thánh định; vì không giác ngộ, không thể chấp Thánh trí tuệ, vì không giác ngộ, không thể nhập Thánh giải thoát. Này các Tỷ-kheo, sự kiện là như sau: Khi Thánh giới được giác ngộ, được thể nhập; khi Thánh trí tuệ được giác ngộ, được thể nhập; khi Thánh giải thoát được giác ngộ, được thể nhập, cắt đứt là hữu ái; sợi dây đưa đến sanh hữu được đoạn tận, nay không có tái sanh.
Thế Tôn nói như vậy. Bậc Thiện Thệ nói xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Vô thượng giới và định,
Trí tuệ và giải thoát,
Gotama danh tiếng,
Giác ngộ những pháp này.
Ðức Phật với thắng trí,
Thuyết pháp cho Tỷ-kheo,
Bậc Ðạo sư đoạn khổ,
Bậc Pháp nhãn tịch tịnh.
(III) (63) Thành Trì
1. – Này các Tỷ-kheo, khi nào một thành trì biên địa của vua được khéo trang bị với bảy trang bị của một thành trì, và bốn loại đồ ăn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc; có được không phí sức, thời này các Tỷ-kheo, thành trì biên địa ấy được gọi là không bị chinh phục bởi quân địch ở bên ngoài và kẻ đồng minh phản nghịch ở bên trong. Thế nào là được khéo trang bị với bảy trang bị của một thành trì?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một cột trụ đâm sâu vào đất, khéo đào sâu, không bị dao động, không bị lay chuyển. Với trang bị thành trì thứ nhất này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một đường thông hào sâu và rộng. Với trang bị thành trì thứ hai này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một đường chạy vòng xung quanh vừa cao và vừa rộng. Với trang bị thành trì thứ ba này của một thành trì, là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều vũ khí được cất chứa như Salàkam (cung tên) và Jevanìyam (cây lao) với trang bị thành trì thứ tư này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều quân đội đồn trú, như những người cưỡi voi, những người cưỡi ngựa, những người cưỡi xe, những người cầm cung, những người cầm cờ, các quan lo chỗ ở, các lính lo vấn đề lương thực, những người con vua dõng mãnh, những bộ đội xung kích, đội voi lớn, các dũng sĩ, các binh sĩ mặc áo giáp, những người con của các nô tỳ. Với trang bị thành trì thứ năm này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua, có người giữ cửa thành là người hiền trí, thông minh, có trí, ngăn chặn những người lạ mặt, cho vào những người quen biết. Với sự trang bị thành trì thứ sáu này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có bức thành vừa cao vừa rộng, ngoài mặt có trét vôi hồ. Với sự trang bị thành trì thứ bảy này là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài.
Với bảy loại trang bị thành trì này, thành trì được xem là được khéo trang bị. Thế nào là bốn loại đồ ăn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều cỏ, củi, nước được tích trữ để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để chống cự những người bên ngoài.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều lúa và lùa mì để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để chống cự những người bên ngoài.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều mè, đậu, các loại giả đậu và ngũ cốc để những người ở trong thành… để chống cự những người bên ngoài.
12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều dược phẩm, như thục tô, sanh tô, dầu, mật, đường bánh, muối để những người ở trong thành… để chống cự những người bên ngoài.
Bốn loại đồ ăn này, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.
Khi nào, này các Tỷ-kheo, một thành trì biên địa của vua, được khéo trang bị với bảy món trang bị này của một thành trì và bốn loại đồ ăn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, thời này các Tỷ-kheo, thành trì biên địa ấy được gọi là không bị chinh phục bởi quân địch ở bên ngoài và kẻ đồng minh phản nghịch ở bên trong. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi nào Thánh đệ tử thành tựu với bảy diệu pháp và bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, thời này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử này được gọi là không bị Ma chinh phục, không bị ác chinh phục. Vị ấy thành tựu bảy pháp gì?
13. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một cột trụ đâm sâu vào đất, khéo đóng, không bị dao động, không bị lay chuyển để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Với lòng tin làm cột trụ, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không có tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ nhất này, vị ấy được thành tựu.
14. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một con đường thông hào, vừa sâu và rộng để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng xấu hổ. Vị ấy xấu hổ vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy xấu hổ vì bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy xấu hổ làm con đường thông hào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ hai này, vị ấy được thành tựu.
15. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có một con đường đi vòng chung quanh, vừa cao vừa rộng để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi vì thân làm ác, vì miệng nói ác, vì ý nghĩ ác. Vị ấy sợ hãi vì bị rơi vào các ác, bất thiện pháp. Lấy sợ hãi làm con đường đi vòng xung quanh, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ ba này, vị ấy được thành tựu.
16. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều vũ khí được cất chứa, như cung tên và cây lao để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử là người nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, cất chứa điều đã được nghe. Những pháp nào, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Các pháp như vậy được nghe nhiều, được thọ trì, được đọc cho thành thục, được ý khéo tùy quán, được khéo thể nhập với tri kiến. Lấy nghe nhiều làm vũ khí, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ tư này, vị ấy được thành tựu.
17. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều quân đội đồn trú, như những người cưỡi voi, những người cưỡi ngựa, những người cưỡi xe, những người cầm cung, những người cầm cờ, những quan lo chỗ ở, các lính lo vấn đề lương thực, những người con vua dõng mãnh, những bộ đội xung kích, đội voi lớn, các dũng sĩ, các binh sĩ mặc áo giáp, những con của nô tỳ, để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp. Lấy tinh tấn làm quân đội, này các Tỷ-kheo, vị thiện nam tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ năm này, vị ấy được thành tựu.
18. Ví như, này các Tỷ kheo, trong thành trì biên địa của vua có người giữ cửa thành là người hiền trí, thông minh, có trí, ngăn chặn những người lạ mặt, cho vào những người quen biết để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống có chánh niệm thành tựu tối thắng niệm tuệ, nhớ đến và tùy niệm việc làm đã lâu ngày, lời nói đã lâu ngày. Với niệm làm người giữ cửa thành, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện pháp từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ sáu này, vị ấy được thành tựu.
19. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có bức thành vừa cao vừa rộng, ngoài mặt trét vôi hồ để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử là người có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự Thánh thể nhập vào con đường đưa đến đoạn tận khổ đau. Với trí tuệ làm lớp vôi hồ trét bên ngoài, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ tự thân thanh tịnh. Với diệu pháp thứ bảy này, vị ấy được thành tựu.
Với bảy diệu pháp này, vị ấy thành tựu. Thế nào là bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?
20. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều cỏ, củi, nước được tích trữ để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để chống những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ để tự mình được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để bước vào Niết-bàn.
21. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều lúa và lúa mì để những người ở trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử, do tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm để tự mình được an vui, không phải lo ngại, được lạc trú và để bước vào Niết-bàn.
22. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có cất chứa nhiều mè, đậu, các loại giả đậu và ngũ cốc để những người trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử, do ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba để tự mình được an vui, không phải lo ngại, được lạc trú và để bước vào Niết-bàn.
23. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong thành trì biên địa của vua có nhiều dược phẩm được cất chứa ví như thục tô, dầu, mật, đường bánh, muối để những người trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để chống cự những người bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử, do đoạn lạc, do đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, để tự mình được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc trú và để bước vào Niết-bàn.
Bốn Thiền này thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.
Này các Tỷ-kheo, khi nào Thánh đệ tử thành tựu bảy diệu pháp này và bốn Thiền này, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đệ tử không bị ma chinh phục, không bị ác chinh phục.