MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO

TÁM LỢI ÍCH KHI TU TẬP TỪ TÂM GIẢI THOÁT

Thứ năm - 19/12/2024 09:51
[Tu hành đúng chánh Phật pháp] - Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư Thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu không thông đạt thượng vị, đạt được Phạm Thiên giới. Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích này.



Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Tám Pháp - Phẩm 1: Phẩm Từ - Đoạn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7
 
(I) (1) Từ
 
1. Như vầy tôi nghe:
 
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavanna, khu vườn Ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.
 
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
 
2. – Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích. Thế nào là tám?
 
3. Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư Thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu không thông đạt thượng vị, đạt được Phạm Thiên giới. Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích này.
 
Ai tu tập từ tâm
Vô lượng thường ức niệm
Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt
 
Với tâm không ác độc
Từ mẫn mọi chúng sanh
Do vậy, vị ấy thành
Bậc thuần nhất chí thiện
 
Với tâm ý từ mẫn
Ðối với mọi chúng sanh
Bậc Thánh khéo thực hiện
Nhiều công đức tốt lành
 
Sau khi đã chinh phục
Rất đông đảo loài người
Các ẩn sĩ vua chúa
Theo nghi lễ tế tự
Lễ tế ngựa tế người
Lễ uống nước thắng trận
Lễ ném cầu may rủi
Lễ rút lui khóa cửa
Không được phần mười sáu
Bậc khéo tu từ tâm
Như ánh sáng mặt trăng
Ðối với các quần sao
 
Không giết, không bảo giết
Không thắng, không bảo thắng
Từ tâm mọi chúng sanh
Không hận thù với ai.
 
(II) (2) Tuệ
 
1. – Này các Tỷ-kheo, có tám nhân này, có tám duyên này, khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn. Thế nào là tám?
 
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.
 
3. Vị ấy do sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng, thường đi đến họ hỏi đi hỏi lại: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì?” Các Tôn giả ấy mở rộng nhưng gì được mở rộng, phơi bày những gì không được phơi bày, và đối với những pháp còn đang nghi vấn, họ giải tỏa những nghi vấn. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.
 
4. Vị ấy sau khi nghe pháp, cố gắng thành tựu hai sự an tịnh: Thân an tịnh và tâm an tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ ba … được viên mãn.
 
5. Vị ấy có giới đức, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ tư … được viên mãn.
 
6. Vị ấy nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe; những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý văn cú cụ túc, đề cao đời sống Phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ năm … được viên mãn.
 
7. Vị ấy tinh cần tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ sáu… được viên mãn.
 
8. Vị ấy đi đến chư Tăng, không là người nói nhiều, không nói chuyện phù phiếm, tự mình nói pháp hay mời người khác nói, không khinh thường sự im lặng của bậc Thánh. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ bảy … được viên mãn.
 
9. Vị ấy sống tùy quán sanh diệt trong năm uẩn: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi; đây là sắc chấm dứt; Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi; đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng … đây là hành … Ðây là thức, đây là thức tập khởi; đây là thức chấm dứt”. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.
 
10. Các vị đồng Phạm hạnh quý mến vị ấy như sau: “Tôn giả này sống nương tựa vào bậc Ðạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Thật vậy, Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”. Ðây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.
 
11. Tôn giả này sống nương tựa vào bậc Ðạo sư, hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng … (như số 3 ở trên) … họ giải tỏa những nghi vấn ấy. Ðây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.
 
12. Tôn giả này sau khi nghe pháp (như số 4 ở trên) … tâm an tịnh. Ðây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.
 
13. Tôn giả này có giới đức … (như số 5 ở trên) … học tập trong các học pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp … thuần nhất.
 
14. Tôn giả này nghe nhiều … (như số 6) … khéo thành tựu chánh kiến. Ðây là pháp … thuần nhất.
 
15. Tôn giả này sống tinh cần tinh tấn … (như số 7 ở trên) … đối với các pháp thiện. Ðây là pháp … thuần nhất.
 
16. Tôn giả này đi đến Tăng chúng … (như số 8 ở trên) … sự im lặng của bậc Thánh. Ðây là pháp … thuần nhất.
 
17. Tôn giả này sống tùy quán sanh diệt trong năm uẩn… (như số 9 ở trên) … đây là thức chấm dứt, đây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.
 
Này các Tỷ-kheo, tám nhân này, tám duyên này khiến cho căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.
 
(III) (3) Các Pháp Không Ðược Ái Mộ (1)
 
1. – Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Thế nào là tám?
 
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tán thán những người không được ái mộ, chỉ trích những người được ái mộ, ưa lợi dưỡng, ưa được cung kính, không có lòng xấu hổ, không có sợ hãi, ác dục và có tà kiến.
 
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.
 
3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tám?
 
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tán thán những người không được ái mộ, không chỉ trích những người được ái mộ, không ưa lợi dưỡng, không ưa được cung kính, có lòng xấu hổ, có sợ hãi, ít dục và có chánh kiến.
 
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.
 
(IV) (4) Các Pháp Không Ðược Ái Mộ (2)
 
1. – Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, cung kính và bắt chước. Thế nào là tám?
 
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa lợi dưỡng, ưa cung kính, ưa được tán thán, không biết thời, không biết vừa đủ, không trong sạch, nói nhiều, mắng nhiếc quở trách đối với các đồng Phạm hạnh.
 
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, cung kính và bắt chước.
 
3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, và bắt chước. Thế nào là tám?
 
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa lợi dưỡng, không ưa cung kính, không ưa được tán thán, biết thời, biết vừa đủ, trong sạch, không nói nhiều, không mắng nhiếc quở trách đối với các đồng Phạm hạnh.
 
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, cung kính và bắt chước.
 
(V) (5) Tùy Chuyển Thế Giới (1)
 
1. – Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám?
 
2. Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, lạc và khổ.
 
Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.
 
Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Tán thán và chỉ trích
An lạc và đau khổ
 
Những pháp này vô thường
Không thường hằng biến diệt
Biết chúng giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
 
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Ðược tiêu tan không còn
 
Sau khi biết con đường
Không trần cấu, không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Ði đến bờ bên kia.
 
(VI) (6) Tùy Chuyẻn Thế Giới (2)
 
1.- Tám thế gian pháp này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám?
 
2. Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an lạc và đau khổ.
 
Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.
 
3. Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ. Với vị Thánh đệ tử nghe pháp, cũng sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ.
 
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có đặc thù gì, thù thắng gì, có sai khác gì giữa vị Thánh có nghe pháp và kẻ phàm phu không có nghe pháp?
 
– Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giảng cho ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
 
– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ nói.
 
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
 
4. – Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy không có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, khổ, biến hoại”. Vị ấy không như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên tán thán … khởi lên chỉ trích … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy không có suy tư: “Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường khổ, biến hoại”. Vị ấy không như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích xâm nhập tâm của người ấy và an trú, an lạc xâm nhập tâm của người ấy và an trú, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú”. Người ấy thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên và nghịch ứng với không lợi dưỡng; thuận ứng với danh vọng được khởi lên và nghịch ứng với không danh vọng; thuận ứng với tán thán được khởi lên và nghịch ứng với chỉ trích; thuận ứng với an lạc được khởi lên và nghịch ứng với đau khổ; Người ấy đầy đủ thuận ứng, nghịch ứng như vậy, không có giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, người ấy không thoát khỏi khổ.
 
5. Với vị Thánh đệ tử có nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, đau khổ, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên tán thán … khởi lên chỉ trích … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy có suy tư: “Ðau khổ này khởi lên nơi ta, đau khổ ấy là vô thường, khổ đau, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng này không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú, không lợi dưỡng …., danh vọng…, không danh vọng …. tán thán… chỉ trích… an lạc… đau khổ không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú. Vị ấy không thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên, không nghịch ứng với không lợi dưỡng; không thuận ứng với danh vọng được khởi lên, không nghịch ứng với không danh vọng; không thuận ứng với tán thán được khởi lên, không nghịch ứng với chỉ trích; không thuận ứng với an lạc được khởi lên, không nghịch ứng với đau khổ; Vị ấy do đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, vị ấy thoát khỏi khổ.
 
Ðây là đặc thù, này các Tỷ-kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.
 
Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Tán thán và chỉ trích
An lạc và đau khổ
 
Những pháp này vô thường
Không thường hằng biến diệt
Biết chúng giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
 
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Ðược tiêu tan không còn
 
Sau khi biết con đường
Không trần cấu, không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Ði đến bờ bên kia.
 
(VII) (7) Devadatta
 
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakùta (Linh Thứu) sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu. Tại đấy, nhân việc Devadatta, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
 
2. – Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của người khác. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của người khác. Do bị tám phi diệu pháp chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Thế nào là tám?
 
3. Này các Tỷ-kheo, bị lợi dưỡng chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đọa xứ, địa ngục sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Này các Tỷ-kheo, bị không lợi dưỡng chinh phục, … bị danh vọng chinh phục … bị không danh vọng chinh phục … bị cung kính chinh phục … bị không cung kính chinh phục… bị ác dục chinh phục … bị ác bằng hữu chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi.
 
Này các Tỷ kheo, bị tám phi diệu pháp này chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đoạ xứ, địa ngục, sống tại đây cả một kiếp, không được cứu khỏi.
 
4. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi … không lợi dưỡng được sanh khởi … danh vọng được sanh khởi … không danh vọng được sanh khởi … cung kính được sanh khởi … không cung kính được sanh khởi… ác dục được sanh khởi … ác bằng hữu được sanh khởi … Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do duyên mục đích gì cần phải sống chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi ?
 
Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên, các lậu hoặc tổn hại nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên. Như vậy các lậu hoặc tổn hại nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục không lợi dưỡng được khởi lên, … danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên, các lậu hoặc tổn hại nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục ác bằng hữu khởi lên, như vậy các lậu hoặc tổn hại nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do duyên mục đích này, Tỷ-kheo sống chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên, … danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau:
 
5. “Ta sẽ sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên … không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây