Tu hành đúng chánh Phật phápNhững ghi chép ngắn gọn, đúc kết từ những bài giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, giúp cho người mới tìm đến đạo Phật biết được khởi đầu nên trang bị những hiểu biết gì, tu tập những pháp nào, pháp nào là trọng tâm, pháp nào cần tu trước, pháp nào cần t
Thứ ba, 29/04/2025, 18:23
Tu hành đúng chánh Phật pháp
MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO
CÁC THIỆN GIỚI CÓ Ý NGHĨA GÌ, CÓ LỢI ÍCH GÌ?
Thứ ba - 01/04/2025 10:26
[Tu hành đúng chánh Phật pháp] - Như vậy, này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc.
Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.
Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.
Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.
Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc.
An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.
Ðịnh có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.
Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, có lợi ích nhàm chán.
Nhàm chán có ý nghĩa ly tham, có lợi ích ly tham.
Ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.
Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn đến tối thượng.
Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười Một Pháp - Phẩm 1: Phẩm Y Chỉ - Đoạn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8
(I) (1) Có Lợi Ích Gì
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, các thiện giới có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc.
– Nhưng bạch Thế Tôn, không hối tiếc có ý nghĩa gì? Có lợi ích gì?
– Này Ananda, không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.
– Bạch Thế Tôn, nhưng hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ananda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.
– Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ananda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.
– Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc.
– Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.
– Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.
– Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ananda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, có lợi ích nhàm chán.
– Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán có ý nghĩa gì, có lợi ý gì?
– Này Ananda, nhàm chán có ý nghĩa ly tham, có lợi ích ly tham.
– Nhưng bạch Thế Tôn, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
– Này Ananda ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.
2. Như vậy, này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Ðịnh có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, có lợi ích nhàm chán. Nhàm chán có ý nghĩa ly tham, có lợi ích ly tham. Ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn đến tối thượng.
(II) (2) Nghĩ Với Dụng Ý
(Giống như kinh số 2, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp)
(III) (3) Sở Y, Do Bậc Ðạo Sư Thuyết
(Tương tự kinh số 3, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).
(IV) (4) Sở Y, Do Tôn Giả Sariputta Thuyết
(Tương tự kinh số 4, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).
(V) (5) Sở Y, Do Tôn Giả Ananda Thuyết
(Tương tự kinh số 5, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).
(VI) (6) Tai Họa
1. Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào mắng nhiếc, chỉ trích, quở trách các bậc Thánh là những vị đồng Phạm hạnh, thời không có sự kiện, không có cơ hội rằng người ấy không gặp một trong mười một tai họa. Thế nào là mười một?
2. Không chứng điều chưa chứng, đã chứng được thời mất đi, diệu pháp không được tỏ rõ, hay là tự kiêu trong diệu pháp, hay là không hoan hỷ sống Phạm hạnh, hay phạm một tội ô uế, hay từ bỏ Phạm hạnh và hoàn tục, hay là thọ bệnh nặng, hay là đạt đến điên cuồng loạn tâm, hay là bất tỉnh khi mệnh chung, sau khi thân hoại mạng chung rơi vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào mắng nhiếc, chỉ trích, quở trách các bậc Thánh là những đồng Phạm hạnh, thời không có sự kiện, không có cơ hội rằng người ấy không gặp một trong mười một tai họa này.
(VII) (7) Tưởng Hay Tác Ý (1)
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định, như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau, và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
2. Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
3. Nhưng bạch Thế Tôn, như thế nào một vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy có thể không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
4. Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo tưởng như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
(VIII) (8) Tưởng Hay Tác Ý (2)
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Thế Tôn, rồi đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Sàriputta:
– Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
2. Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy… được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
3. Nhưng thưa Tôn giả Sàriputta, như thế nào, một Tỷ-kheo, khi chứng được Thiền định như vậy… được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
4. Ở đây, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo tưởng như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
5. Thật vi diệu thay, thưa Hiền giả! Thật hy hữu thay, thưa Hiền giả! Sự giải thích của Ðạo Sư và đệ tử tương hợp, tương hội, không tương phản nhau, nghĩa với nghĩa, lời với lời, tức là đối với câu tối thượng. Thưa Hiền giả, vừa rồi tôi đã đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này, Thế Tôn với những câu thế này với những lời thế này, đã trả lời về ý nghĩa này, giống như Tôn giả Sàriputta. Thật vi diệu thay, Hiền giả! Thật hy hữu thay, Hiền giả! Sự giải thích của Ðạo Sư và đệ tử sẽ tương hợp, sẽ tương hội, không tương phản nhau tức là về câu tối thượng.