Tu hành đúng chánh Phật phápNhững ghi chép ngắn gọn, đúc kết từ những bài giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, giúp cho người mới tìm đến đạo Phật biết được khởi đầu nên trang bị những hiểu biết gì, tu tập những pháp nào, pháp nào là trọng tâm, pháp nào cần tu trước, pháp nào cần t
Thứ bảy, 21/12/2024, 11:45
Tu hành đúng chánh Phật pháp
MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON
BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO
KHÔNG PHÓNG DẬT - PHÁP LỢI ÍCH TỐI THẮNG
Thứ năm - 07/11/2024 23:12
[Tu hành đúng chánh Phật pháp] - Ví như, này Bà-la-môn, phàm có những dấu chân của các loại bộ hành nào, tất cả dấu chân ấy đều được thâu nhiếp trong dấu chân voi. Dấu chân voi được gọi là tối thắng trong các dấu chân ấy. Cũng vậy, này Bà-la-môn, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai.
Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Sáu Pháp - Phẩm 5: Phẩm Dhammika - Đoạn 7, 8, 9, 10, 11
(VII) (49) Khema
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sumana trú ở Sàvavatthì, tại rừng Andha. Rồi Tôn giả Khema và Tôn giả Sumana đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Khema bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Vị ấy không nghĩ rằng: “Có người tốt hơn ta” hay “Có người giống như ta” hay “Có người hạ liệt hơn ta”.
Tôn giả Khema nói như vậy, Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Rồi Tôn giả Khema nghĩ rằng: “Thế Tôn đã chấp nhận ta”. Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tôn giả Sumana, khi Tôn giả Khema ra đi không bao lâu, liền bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Vị ấy không nghĩ rằng: “Có người tốt hơn ta”, hay “Có người giống như ta”, hay “Có người hạ liệt hơn ta”.
Tôn giả Sumana nói như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. Rồi Tôn giả Sumana nghĩ rằng: “Thế Tôn đã chấp nhận ta”. Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
2. Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Khema và Tôn giả Sumana ra đi không bao lâu, liền bảo các Tỷ-kheo:
– Như vậy, này các Tỷ-kheo, các thiện nam tử nói lên chánh trí, có nói đến mục đích, nhưng không đề cập đến tự ngã. Tuy vậy, ở đây một số kẻ ngu nói lên chánh trí một cách ngạo mạn đắc chí. Họ về sau rơi vào nguy hại.
Không thắng, không hạ liệt,
Không ai đồng đẳng Ta,
Những tư tưởng như vậy
Không chi phối các vị.
Sanh khởi đã chấm dứt,
Phạm hạnh được viên thành,
Họ lìa bỏ kiết sử,
Hoàn toàn được giải thoát.
(VIII) (50) Các Căn
1. – Với căn không phòng hộ, này các Tỷ-kheo, với người khiếm khuyết phòng hộ các căn, giới đi đến hủy hoại; với giới không có, có ai khiếm khuyết về giới, chánh định đi đến hủy hoại. Với chánh định không có, với ai khiếm khuyết chánh định, tri kiến như thật đi đến hủy hoại. Với tri kiến như thật không có, với ai khiếm khuyết tri kiến như thật, nhàm chán, ly tham đi đến hủy hoại. Với nhàm chán, ly tham không có, với ai khiếm khuyết nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến hủy hoại.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá khiếm khuyết, thời các chồi non không đi đến viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên mãn, lõi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với căn không phòng hộ, với người khiếm khuyết phòng hộ các căn… giải thoát tri kiến đi đến hủy hoại.
3. Với các căn được phòng hộ, này các Tỷ-kheo, với người đầy đủ các căn được phòng hộ, giới đi đến đầy đủ. Với giới có mặt, với người đầy đủ giới, chánh định đi đến đầy đủ. Với chánh định có mặt, với người đầy đủ chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Với tri kiến như thật có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, nhàm chán, ly tham đi đến đầy đủ. Với nhàm chán, ly tham có mặt, với người đầy đủ nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.
4. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây với cành và lá đầy đủ, thời chồi non đi đến viên mãn, vỏ cây đi đến viên mãn, giác cây đi đến viên mãn, lõi cây đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với căn được phòng hộ, với người đầy đủ phòng hộ các căn, giới đi đến đầy đủ… giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.
(IX) (51) Ananda
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Sàriputta:
2. – Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp trước kia chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết?
– Tôn giả Ananda là vị nghe nhiều, Tôn giả hãy nói lên!
– Vậy thưa Hiền giả Sàriputta, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói!
3. – Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo học thông suốt pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bản sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Vị ấy thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy khiến cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy tụng đọc pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Tại trú xứ nào các Tỷ-kheo trưởng lão trú ở, các vị nghe nhiều, được trao truyền các tập Agama, bậc Trì pháp, Trì luật, Trì toát yếu, tại các chỗ ấy, vị ấy an cư vào mùa mưa, thỉnh thoảng đến các Tôn giả ấy; sau khi đến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì? “Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác, còn có chỗ nghi ngờ, các Tôn giả ấy giải thích các sự nghi ngờ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết.
4. – Thật vi diệu thay, thưa Hiền giả! Thật hy hữu thay, thưa Hiền giả! Khéo nói cho đến như vậy, chính là điều đã được Tôn giả Ananda nói lên. Và chúng tôi thọ trì rằng Tôn giả Ananda đã được thành tựu sáu pháp:
5. Tôn giả Ananda học thông suốt pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bản sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Tôn giả Ananda thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã nghe, như đã được học thông suốt. Tôn giả Ananda khiến cho các người khác nói lên pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Tôn giả Ananda đọc tụng pháp một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt. Tôn giả Ananda với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Tôn giả Ananda, tại trú xứ nào các Tỷ-kheo trưởng lão trú ở, các vị nghe nhiều, được trao truyền các tập Agama, bậc Trì pháp, Trì luật, Trì toát yếu, tại các chỗ ấy, Tôn giả Ananda an cư vào mùa mưa, thỉnh thoảng đến các vị ấy, sau khi đến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì? “Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác, còn có chỗ nghi ngờ, các vị ấy giải thích các sự nghi ngờ.
(X) (52) Vị Sát Ðế Lỵ
1. Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
2. – Ðối với Sát-đế-lỵ, thưa Tôn giả Gotama, vị ấy mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?
– Ðối với Sát-đế-lỵ, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, sức mạnh là điểm tựa, xu hướng là trái đất, cứu cánh là tự tại.
– Nhưng đối với Bà-la-môn, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?
– Ðối với Bà-la-môn, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, chú thuật là điểm tựa, tế tự là xu hướng, cứu cánh là Phạm thiên giới.
– Nhưng đối với gia chủ, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?
– Ðối với gia chủ, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, nghề nghiệp là điểm tựa, công việc là xu hướng, thành tựu công việc là cứu cánh.
– Nhưng đối với nữ nhân, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành tận cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?
– Ðối với nữ nhân, này Bà-la-môn, đàn ông là mong muốn, trang điểm là cận hành, điểm tựa là con cái, không có địch thù là xu hướng, tự tại là cứu cánh.
– Nhưng đối với người ăn trộm, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?
– Ðối với người ăn trộm, này Bà-la-môn, đồ lấy được là mong muốn, rừng rậm là cận hành, đao trượng là điểm tựa, tối tăm là xu hướng, không bị thấy là cứu cánh.
– Nhưng đối với Sa-môn, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?
– Ðối với Sa-môn, này Bà-la-môn, nhẫn nhục nhu hòa là mong muốn, trí tuệ là cận hành, giới hạnh là điểm tựa, không có sở hữu là xu hướng, Niết-bàn là cứu cánh.
3. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama. Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama rõ biết mong muốn, cận hành, điểm tựa, xu hướng và cứu cánh của các Sát-đế-lỵ, Tôn giả Gotama rõ biết mong muốn, cận hành, điểm tựa, xu hướng, cứu cánh của các Bà-la-môn… của các gia chủ… của các nữ nhân… của các người ăn trộm… của các Sa-môn. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! … Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung con xin trọn đời quy ngưỡng!
(XI) (53) Không Phóng Dật
1. Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
2. – Có một pháp nào, thưa Tôn giả Gotama, được tu tập, được làm cho sung mãn, pháp ấy bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai?
– Có một pháp, này Bà-la-môn, được tu tập, được làm cho sung mãn bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai.
– Một pháp ấy là gì, thưa Tôn giả Gotama được tu tập, được làm cho sung mãn, pháp ấy bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai?
3. – Không phóng dật, này Bà-la-môn là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, phàm có những dấu chân của các loại bộ hành nào, tất cả dấu chân ấy đều được thâu nhiếp trong dấu chân voi. Dấu chân voi được gọi là tối thắng trong các dấu chân ấy, cũng vậy, này Bà-la-môn, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ví như này Bà-la-môn, trong một ngôi nhà có nóc nhọn, tất cả rui kèo đều hướng về nóc nhọn, thiên về nóc nhọn, quy tụ về nóc nhọn, nóc nhọn được gọi là tối thắng trong các vật ấy. Cũng vậy, này Bà-la-môn, không phóng dật… Ví như, này Bà-la-môn, người cắt cỏ, trong khi cắt cỏ, sau khi túm lấy đầu các ngọn cỏ, liền lùa cỏ qua lại, vặt cỏ lên xuống và đập cỏ. Cũng vậy, này Bà-la-môn… Ví như, này Bà-la-môn, nhánh cây có chùm xoài bị chặt đứt, tất cả trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung một số phận với nhánh kia. Cũng vậy, này Bà-la-môn… Ví như, này Bà-la-môn, phàm có các tiểu vương nào, tất cả đều tùy thuộc vua Chuyển Luân. Vua Chuyển Luân được gọi là tối thắng trong các vị vua ấy. Cũng vậy, này Bà-la-môn… Ví như, này Bà-la-môn, ánh sáng của các vì sao, tất cả ánh sáng các ngôi sao không bằng giá trị một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng của mặt trăng được gọi là tối thắng trong tất cả ánh sáng. Cũng vậy, này Bà-la-môn, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ðây là một pháp, này Bà-la-môn, được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai.
– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! … Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.